Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Nha Nuoc

  CHINH TRI NHAP MON                                  Bài 06:  Nhà Nước
I.                 

                I.   Nguồn gốc thành lập nhà nước.

1.     Mối quan hệ quyền lực và ý thức xã hội.

  Cạnh tranh sinh tồn là quy luật tiến hóa của tạo hóa, thế giới tự nhiên luôn luôn xãy ra hiện tượng đấu tranh giữa các loài sinh vật cũng như trong sinh hoạt của loài người để giành lấy sự sống còn và phát triển dựa trên mối tương quan quyền lực: kẻ mạnh luôn chiếm ưu thế chiến thắng để tồn tại và kẻ yếu luôn thua thiệt hoặc bị hủy diệt. Theo Darwin:

   “Khái niệm đấu tranh sinh tồn hiểu theo nghĩa rộng bao gồm nhiều dạng quan hệ phức tạp giữa sinh vật với hoàn cảnh sống tiến hóa theo xu hướng chọn lọc tự nhiên. Nội dung của chọn lọc tự nhiên bao gồm hai quá trình song song là đào thải những biến dị có hại và tích luỹ những biến bị có lợi cho bản thân sinh vật, quá trình sống sót của những dạng sinh vật thích nghi nhất”.

 Từ môi trường thiên nhiên, ý thức sinh tồn kết hợp các cá thể con người riêng rẽ thành những lực lượng xã hội có tổ chức hầu đối phó với thú dữ, thảm họa thiên nhiên hay tự vệ trước những thế lực hùng mạnh. Tổ chức xã hội là hình thức tập trung thống nhất quyền lực vào một chủ thể đại diện cộng đồng như: cá nhân, một tổ chức hoặc bộ máy nhà nước. Những khác biệt, mâu thuẫn giữa các thành phần xã hội được điều chỉnh theo khuynh hướng đem lại công bằng và các giá trị chung của con người trong các mối liên hệ về mặt tinh thần. Thiết lập các mô hình thống nhất quyền lực xã hội có vai trò giải quyết các tranh chấp và điều hành những hoạt động của con người chung sống trong một cộng đồng. Phạm trù “thống nhất quyền lực xã hội” khái quát xu hướng vận động của xã hội loài người từ không có tổ chức tiến đến các cộng đồng có tổ chức; từ hình thức tổ chức xã hội đơn giản tiến đến hoàn thiện các mô hình xã hội như bộ tộc, bộ lạc đến quốc gia v.v…Nhà nước là hình thức tổ chức xã hội loài người ở giai đoạn lịch sử thành lập các quốc gia với sự phát triển các kỷ năng tổ chức, điều hành xã hội và những kiến thức chuyên môn trong việc quản lý các lĩnh vực sinh hoạt cộng đồng do ảnh hưởng của một nền văn hóa.
-                  Theo định nghĩa thông thường: nhà nước là tổ chức quản lý công việc chung của một nước, đứng đầu là chính phủ (bộ máy nhà nước).
-                  Theo quan niệm của các lý thuyết gia Cộng Sản: nhà nước là một tổ chức chính trị xã hội, cơ quan chuyên chính của giai cấp nắm quyền thống trị về kinh tế của một quốc gia.
-                  Nếu nhìn từ viễn kiến của phương pháp nhận thức đúng đắn: thiết lập mô hình nhà nước phù hợp với quy luật tiến hóa tự nhiên, tích cực thúc đẩy loài người đạt đến mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh và nhân bản. 

2.               Vai trò và chức năng của nhà nước.

a.               Khách quan hóa hoạt động xã hội.
 Tư tưởng hướng dẫn hành động con người từ sự phản ảnh hiện thực khách quan. Trong xã hội, nhiều giá trị tư tưởng được nhiều người thừa nhận trở thành tư tưởng cho nhiều nhóm người sinh hoạt chung trong một cộng đồng. Xã hội phát triển nhờ có ý thức nhưng do có quá nhiều nhận thức khác biệt nên xãy ra tranh chấp giữa các cá nhân, thành phần xã hội. Tư tưởng mới luôn phát sinh dẫn đến sự xung đột giữa các lực lượng đại diện cho những quan điểm đối lập, sự ổn định, trật tự xã hội chỉ tồn tại tương đối trong một giai đoạn lịch sử nhất định và nó được vãng hồi bằng cuộc cách mạng để thành lập nhà nước. Những tư tưởng đúng đắn có vai trò chủ đạo trở thành ý chí của đa số nắm giữ quyền lực thống nhất xã hội, khuất phục hành vi cá nhân và các thành phần xã hội khác cho phù hợp với hoạt động chung của cộng đồng nhằm ổn định trật tự, bảo vệ các giá trị, quyền lợi cá nhân và quyền lợi chung của xã hội. Khách quan hóa hoạt động xã hội là quá trình bắt đầu từ giá trị tư tưởng cá nhân (chủ quan) trở thành tư tưởng chung làm nền tảng cho những sinh hoạt thống nhất của cộng đồng thông qua cơ chế chuyên chế quyền lực thống trị và bị trị của bộ máy nhà nước.   
b.               Chuyển hóa sự hiệp nhất con người trong các mối liên hệ xã hội.

   Cạnh tranh sinh tồn trong giai đoạn phát triển vật chất theo phương thức phân hóa (phủ định vật chất) làm gia tăng về mặt số lượng, sản sinh ra vô số sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên. Đến khi xuất hiện loài người phát sinh một hình thái vận động mới: cạnh tranh, phủ định giá trị giữa con người. Môi trường phủ định giá trị tác động sự phát triển xã hội theo xu hướng thống nhất các giá trị tinh thần; đạt đến các giá trị tuyệt đối trong đời sống tinh thần (toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ) vạch ra một giai đoạn tiến hóa của vũ trụ từ hữu hạn đến vô hạn.
  Sự thống nhất các giá trị tinh thần liên kết thống nhất con người trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống chung luôn tồn tại nhiều xu hướng khác biệt đôi khi dẫn đến xung đột, triệt tiêu lẫn nhau giữa các lực lượng xã hội. Liên kết sức mạnh đa số dựa trên các nguyên tắc chung và giá trị chung vãng hồi trật tự và điều hòa sinh hoạt thống nhất cộng đồng, nhà nước thể chế hóa các giá trị tư tưởng chính trị (ý thức hệ) trong việc điều hành những hoạt động khách quan và thống nhất xã hội.  
-                  Nguyên tắc chung: là những quy định chung và những biện pháp chế tài toàn bộ xã hội (luật pháp) hoặc cục bộ (quy phạm xã hội) về các lề lối sinh hoạt mà mỗi thành viên phải tôn trọng để đem lại trật tự và ổn định sinh hoạt cộng đồng. Những quy tắc chung có vai trò điều chỉnh các mối liên giữa con người trên nền tảng của lẽ phải, sự bình đẳng và công bằng xã hội.
-                  Giá trị chung: sư thỏa hiệp thống nhất về mặt ý thức thiết lập các hệ giá trị tinh thần ràng buộc con người phải tôn trọng và tự giác thực hiện những nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cá nhân trong mối liên hệ với cộng đồng.

   Sự tồn tại của công lý được bảo vệ bằng sức mạnh của quyền lực công (nhà nước), bộ máy quyền lực công được xây dựng và tồn tại trên nền tảng công lý xã hội, ý thức hệ và sự thiết lập thể chế chính trị luôn luôn thay đổi thông qua các biến cố cách mạng xã hội. Quá trình đấu tranh tác động sự chuyển hóa các giá trị xã hội nâng cao phẩm chất, giá trị con người, các mối liên hệ giữa con người về mặt tinh thần; nâng cao hình thái tổ chức, sinh hoạt xã hội thúc đẩy các quá trình tiến hóa của nền văn minh nhân loại.

c.                Chuyển hóa hình thái thống nhất quyền lực xã hội:
  Quốc gia là một đơn vị căn bản của quá trình phát triển khách quan của xã hội loài người. Trong quốc gia, nhà nước là cơ quan đại diện bảo vệ an ninh, quyền lợi của các thành viên và điều hành mọi sinh hoạt thống nhất của cộng đồng vừa phải cạnh tranh sinh tồn trong mối quan hệ giữa các dân tộc của cộng đồng thế giới.
-                  Sự chuyển hóa quyền lực trong phạm vi quốc gia:

   Sinh tồn và tiến hóa là động cơ tập hợp con người sống có tổ chức, ban đầu do tài năng và sự khôn ngoan của các vị thủ lĩnh hoặc của một thiểu số có đặc quyền thống trị xã hội. Cơ cấu quyền lực thay đổi theo quá trình tiến hóa đến khi quyền lực thuộc về sức mạnh của đám đông, sự thống trị xã hội dựa trên nguyên tắc thỏa hiệp của đa số. Nhà nước có chức năng duy trì sự ổn định thống nhất và phát triển xã hội trên căn bản điều chỉnh mối quan hệ quyền lực giữa con người, các thành phần và các tổ chức xã hội. Quá trình chuyển hóa quyền lực xã hội theo xu hướng:
·                 Từ hình thái sở hữu chuyên chế quyền lực thống nhất xã hội của một thiểu số (độc tài), tiến đến xã hội hóa và thống nhất chuyên chế quyền lực xã hội (dân chủ).
·                 Sự chuyển giao quyền lực xã hội từ hình thức đấu tranh cách mạng bạo lực sang hình thức cạnh tranh quyền lực dựa trên giá trị và sự thỏa hiệp của ý thức.
·                 Xác lập mối quan hệ từ bất công đến bình đẳng xã hội trong phạm vi cục bộ đến toàn diện; từ cá nhân trong cùng quốc gia đến cộng đồng thế giới.

-                  Sự chuyển hóa quyền lực cộng đồng thế giới.

·                 Toàn cầu hóa.

  Ngày nay, trái đất dường như trở nên nhỏ bé đối với những người có điều kiện tiếp cận hoặc sở hữu những kiến thức và các phương tiện hiện đại trong môi trường văn minh của mối bang giao và hợp tác giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu ở mọi lĩnh vực: an ninh, môi trường, kinh tế, truyền thông, văn hóa, chính trị v.v…Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia mà đại bộ phận nhân dân phải làm lụng cơ cực trong nhà máy, công trường hay lam lũ ngoài đồng ruộng quanh năm mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Sự chênh lệch to lớn giữa các nền văn minh trên thế giới đã tạo ra một môi trường cạnh tranh sinh tồn nghiệt ngã giữa những người dân thấp cổ bé miệng tại các quốc gia nhược tiểu trước sức mạnh xâm lược của các cường quốc dưới chiêu bài nhân đạo, khai phóng, đầu tư kinh tế và dân chủ hóa toàn cầu. Trong khi, sự tiến bộ của nền văn minh phương Tây có tác dụng cải thiện cuộc sống người dân một cách chậm chạp thì sự ủng hộ, áp đặt bộ máy chính quyền tay sai độc tài, thối nát là cơ hội để các cường quốc vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động và làm tha hóa đạo đức, bản sắc văn hóa của người dân bản xứ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạc hậu, nghèo đói, vi phạm nhân quyền, bảo tồn các chế độ độc tài hoặc thảm họa chiến tranh xãy ra tại nhiều quốc gia hiện nay là do sự tranh chấp quyền lực, giành giựt tài nguyên và địa bàn kinh tế của các cường quốc.

·                 Trật tự thế giới mới.
  Được hưởng lợi từ hai cuộc thế chiến, Hoa Kỳ trổi dậy thành một siêu cường với tham vọng thống trị thế giới khiến cho những nỗ lực kiến tạo nền hòa bình, an ninh và sự hợp tác hữu nghị của hầu hết các quốc gia trên thế giới không thể thực hiện. Danh nghĩa Liên Hiệp Quốc hoàn toàn bị lợi dụng nhằm áp đặt sự tuân thủ các điều ước quốc tế đối với các nước nhỏ, trong khi các cường quốc với sức mạnh kinh tế và bộ máy chiến tranh hùng hậu của mình công khai can thiệp, thao túng tình chính trị nội bộ và khai thác tối đa nguồn lợi tại các quốc gia khác. Toàn cầu hóa phải đi đôi với thống nhất quyền lực quốc tế là một qui trình vận động tất yếu và khách quan đòi hỏi một cơ chế đại diện (nhà nước chung cho loài người) có đầy đủ sức mạnh và thẩm quyền điều hành, can thiệp mọi tranh chấp giữa các quốc gia dựa trên pháp luật quốc tế hầu đem lại sự công bằng, ổn định và nền hòa bình trên phạm vi toàn thế giới.

          3.   Quốc gia.    

 Thành lập quốc gia là một quá trình phát triển khách quan của cộng đồng con người để trở thành một đơn vị độc lập, chủ thể sinh tồn trong mối quan hệ giữa các dân tộc của cộng đồng thế giới. Tùy theo cách tổ chức, người ta phân biệt quốc gia nhà nước đơn nhất hay quốc gia liên bang được công nhận với các yếu tố sau đây:

a.             Lãnh thổ.

  Lãnh thổ là phần đất đai của một quốc gia, bao gồm toàn bộ vùng đất, vùng nước (sông, biển) vùng trời và lòng đất đã có chủ quyền hay còn trong vòng tranh chấp; lãnh thổ quốc gia có vị trí cố định trên địa cầu, hoàn toàn không phụ thuộc vào kích thước lớn, nhỏ hoặc địa hình mà được xác định bởi ranh giới với các nước xung quanh.

b.               Dân cư.

   Bao gồm tất cả những con người cùng sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia gắn bó với nhau dưới cơ chế chính trị của các mối liên hệ luật pháp, ý thức xã hội. Thông qua ngôn ngữ và chữ viết, họ cùng chia sẽ với nhau về các giá trị văn hóa, tôn giáo, lịch sử, quyền lợi và cùng kế thừa quá khứ, gánh vác trách nhiệm đối với vận mệnh của một dân tộc trong hiện tại cũng như tương lai.

c.                Chính quyền.
>1.                                                
2.                                                Cơ quan đại diện quyền lực công điều hành một quốc gia vừa có tư cách đại diện cho quốc gia đó trong các mối quan hệ với cộng đồng thế giới. Chính quyền là một thiết chế nhà nước được thành lập trên nền tảng tư tưởng chính trị chủ đạo của ý thức hệ xã hội quy định một giai đoạn tiến hóa nhất định của một dân tộc.
                                                      
d.               Chủ quyền quốc gia.

   Chủ quyền là thuộc tính tự nhiên của một quốc gia trong các chính sách đối nội và đối ngoại:

-                  Có toàn quyền quyết định về thể chế chính trị, thực hiện đường lối, chính sách phát triển đất nước và các vấn đề khác trong pham vi lãnh thổ của mình.
-                  Độc lập trong các quan hệ quốc tế mà không bị lệ thuộc vào các quốc gia khác; quyền tự do chọn lựa thiết lập các quan hệ, tham gia vào các tổ chức hay ký kết các điều ước quốc tế trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia.

  Bốn yếu tố: lãnh thổ, dân cư, chính quyền và chủ quyền xác định tính cách pháp lý của một quốc gia hiện hữu trong cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa thành lập được một thực thể độc lập nắm giữ quyền lực điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế, các quốc gia nhược tiểu còn phải nỗ lực đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của mình trước các mối đe dọa xâm phạm và thao túng nghiệt ngã của các cường quốc.

I.             II.    Chế độ chính trị.
  
1.     Khái niệm.

   Chế độ chính trị là nội dung mô hình nhà nước được xây dựng trên hệ thống các quan điểm chính trị, các nguyên tắc và phương thức tổ chức, điều hành một quốc gia. Chế độ chính trị quy định các chính sách đối nội và đối ngoại nhằm duy trì sự ổn định, trật tự xã hội, thực hiện các đường lối phát triển đất nước cũng như vận dụng những cơ hội thăng tiến và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế.

2.    Cơ chế điều chỉnh các mối liên hệ xã hội.

  Xã hội luôn vận động và phát triển trong điều kiện không xãy ra những khủng hoãng chính trị do mâu thuẩn và những tranh chấp gay gắt từ bên trong hoặc bên ngoài của một quốc gia; sự thống nhất và ổn định trật tự xã hội nhờ vào cơ chế điều chỉnh của pháp luật và hệ thống quy phạm đạo đức xã hội.

a.                Luật pháp.

-                  Khái niệm: Luật pháp là những quy tắc xử sự căn bản làm nền tảng cho những sinh hoạt chung của xã hội do nhà nước ban hành nhằm thực hiện công việc quản lý và điều hành một quốc gia.
-                  Chức năng: Luật pháp của một quốc gia bao gồm hiến pháp và hệ thống quy phạm liên quan đến tư cách, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân và các tổ chức xã hội, có vai trò hướng dẫn và điều chỉnh hành vi, những hoạt động của các cá nhân, các tổ chức xã hội cho phù hợp với lề lối sinh hoạt chung của cộng đồng.

-                  Đặc tính:

·                 Luật pháp có tính bắt buộc: luật pháp là những quy tắc chuẩn mực bảo vệ trật tự xã hội nên bắt buộc thực hiện bằng hình thức cưỡng chế bởi cơ quan quyền lực.
·                 Chủ quan: Nhà nước có tư cách là một chủ thể đại diện độc lập của một quốc gia với các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp thể hiện ý chí và đường lối cai trị của bộ máy lãnh đạo quốc gia. Tuy có tính chủ quan nhưng mục tiêu của luật pháp là đạt đến sự công bằng. Muốn thực hiện vai trò điều hành trật tự xã hội thì sự điều chỉnh của luật pháp phải dựa trên các nguyên tắc lẽ phải, công bằng để phục vụ đời sống người dân, lợi ích chung và phù hợp với xu thế phát triển khách quan của xã hôi loài người.
·                 Toàn diện: Luật pháp áp dụng cho mọi đối tượng cá nhân, các tổ chức tham gia sinh hoạt trong cộng đồng.

b.    Đạo đức.

-    Ý thức đạo đức: hay lương tâm là năng lực phân biệt các giá trị thiện/ ác, phát sinh lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm, tôn trọng danh dự, sự công bằng, sự ngưỡng mộ và tính liêm sĩ của con người trong các mối liên hệ xã hội và thế giới tự nhiên.

-                  Hình thái ý thức đạo đức: Sự thừa nhận các giá trị đạo đức trong sinh hoạt cộng đồng thiết lập hệ giá trị đạo đức xã hội (quy phạm đạo đức, đạo lý, luân lý), hình thái ý thức đạo đức bao gồm những sinh hoạt xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ, cách ứng xử, lề lối giao tiếp, nếp sống, phong tục, tập quán của cộng đồng. Hình thái ý thức đạo đức xã hội hình thành một quyền lực tinh thần bó buộc hành vi (điều chỉnh) tự giác của con người phù hợp với những giá trị chung của xã hội.

-                  Đạo đức theo quan niệm Nho Giáo.

  Đạo là con đường, sự tiến hóa theo trật tự của vủ trụ (quy luật khách quan); đức là sự thể hiện đạo phù hợp với chức năng của một đối tượng tồn tại trong một giai đoạn tiến hóa của thế giới tự nhiên. Theo Nho Giáo, đạo đức của con người là sự thể hiện đạo lý trong các mối quan hệ xã hội dựa trên tam cang và ngũ thường.
c.                Mối quan hệ giữa luật pháp và đạo lý.

  Con người có rất nhiều mối quan hệ trong cuộc sống chung với cộng đồng. Sinh hoạt xã hội đa dạng bởi những thõa hiệp tự giác của các cá nhân phù hợp với những giá trị chung hình thành nếp sống văn hóa.  Khi một thành viên của xã hội (cá nhân hoặc tổ chức) có những hành vi vi phạm quyền lợi, giá trị, an ninh của cá nhân hay cộng đồng thì cần đến sự can thiệp của pháp luật. Đạo lý (hệ giá trị đạo đức) là mối quan hệ phổ biến trong đời sống con người. Đạo lý có vai trò điều chỉnh sinh hoạt xã hội bởi tinh thần tự giác của mọi người dân; pháp luật là mối quan hệ căn bản được xây dựng trên nền tảng các giá trị đạo đức xã hội nhằm điều chỉnh những hành vi con người vượt quá những giới hạn cho phép bằng phương thức cưỡng chế của nhà nước. Do đó, pháp luật và đạo đức là hai mặt đối lập vừa thống nhất biện chứng với nhau trong mối liên hệ giữa cái chung và riêng; giữa hình thức cưỡng chế và sự tự giác của các quá trình điều chỉnh sự thống nhất giữa con người trong các quá trình phát triển các mô hình tổ chức nhà nước.
3.           Các hình thức điều hành xã hội.

a.               Pháp trị và nhân trị.

  Trong sinh hoạt chính trị của một quốc gia tương ứng với hai cơ chế điều chỉnh thống nhất các mối quan hệ xã hội, có hai quan điểm điều hành quốc gia: cai trị bằng hình thức pháp luật hoặc chú trọng đến đạo đức xã hội.

-                  Pháp trị: là hình thức điều hành xã hội chủ yếu dựa trên pháp luật.
 
  Có hai quan niệm về pháp trị:

·                 Luật pháp là công cụ của nhà nước chuyên quyền ban hành để cai tri xã hội.

    Theo trường phái pháp gia tại Trung Quốc ở thời kỳ phong kiến như Quản Trọng, Thương Ưởng,  Lý Tư và đặc biệt là Hàn Phi Tu (280 – 233tr.CN) chủ trương rằng: trật tự và an bình xã hội nhờ ở pháp luật chặc chẽ và uy quyền tối thượng của người đứng đầu quốc gia:

Pháp là pháp lệnh thành văn của quốc gia, được xem là tiêu chun, căn cứ khách quan để định rõ danh phận, tỏ rõ thị phi, phân rõ tốt xấu để mọi người biết rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, biết điều phải làm và điều không được làm. Pháp đã ban hành thì phải thi hành nghiêm minh”.

·                 Pháp trị là hình thức xã hội được cai trị bằng luật pháp. Luật pháp đứng trên nhà nước và mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Công lý xã hội được bảo vệ thông qua các nguyên tắc, thủ tục và hình thức do luật pháp quy định. Các quan điểm trên đây đặt nền móng xây dựng chế độ chính trị tại Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây.

-                  Nhân trị: là hình thức cai trị xã hội chú trọng đến việc tu dưỡng đạo đức của bộ máy cầm quyền nhằm điều chỉnh trật tự xã hội dựa trên căn bản xây dựng đạo đức, nhân cách người dân và các quy phạm đạo đức xã hội (luân thường đạo lý).

  Đại diện cho trường phái nhân trị là Khổng Tử và Mạnh Tử. Khổng giáo chủ trương việc trị nước do cái đức của người lãnh đạo chứ không do chính thể. Người lãnh đạo có tài, có đức thì an dân; người hành chính thiếu tài, đức thì nước phải loạn. Xã hội phong kiến theo chế độ quân quyền, vua là người đứng đầu quốc gia, các quan lại là những người có tài đức được lựa chọn ở trong dân để giúp vua làm mọi việc ích lợi chung cho cả nước. Trong xã hội có 5 giềng mối còn gọi là ngũ luân: quân/thần, phụ/ tử, phu/thê, huynh/đệ và bằng hữu, mỗi thành phần trong xã hội đều biết giữ cái đạo của mình cho ngay chính thì xã hội an bình, thịnh trị.

·                 Đề cao sức mạnh nhân nghĩa: Nho Giáo khuyến khích người đời từ thường dân đến bậc vua chúa đều phải tu thân rèn đức theo mẫu người quân tử với năm đức tính: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khổng tử cho rằng đạo đức là gốc của con người: “nếu bậc quân vương đạo đức ngay thẳng cần gì phải dùng đến Lệnh (Luật) buộc dân chúng thi hành” nên đề xuất đường lối đức trị.
·                 Coi trọng dân: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" nghĩa là trong nước nhân dân là quan trọng nhất, thứ đến mới là quốc gia (xã tắc) vua là thứ bậc xem nhẹ nhất; “dân vốn là gốc nước, có dân mới có nước, có nước mới có vua, ý dân là ý trời”.
·                 Nhẹ hình phạt và tăng cường giáo hoá dân: Nho Giáo chủ trương giảm nhẹ hình phạt và tăng cường giáo hoá dân: "Không giáo hoá dân để dân phạm tội rồi giết là tàn ngược". Ngoài ra, Khổng Tử còn coi trọng việc dưỡng dân, trước hết phải làm cho dân no đủ, giảm bớt sưu thuế và thi ân rộng rãi cứu giúp dân chúng.

-                  Mối quan hệ giữa nhân trị và pháp trị.

   Cơ chế vận hành của một xã hội nhân bản phải xây dựng được những con người có phẩm chất đạo đức trong một môi trường xã hội lành mạnh với các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người chứ không chỉ dựa vào các hình thức quản lý chặc chẽ của pháp luật. Nhân trị và pháp trị có liên hệ mật thiết với nhau trong vai trò điều hành những sinh hoạt thống nhất của một quốc gia: trong xã hội chú trọng hình thức nhân trị cũng cần đến luật pháp để điều chỉnh những hành vi vượt quá khuôn khổ đạo đức cho phép gây xáo trộn xã hội; sử dụng pháp trị không dựa trên đạo lý sẽ biến xã hội trở nên phi nhân tính.
b.               Tập quyền và tản quyền.

  Quốc gia là một cấu trúc xã hội tự nhiên được thành lập bởi sự liên kết của nhiều cá nhân, thành phần và các bộ phận có mối liên hệ tương tác, đãm nhận các chức năng cần thiết cho những sinh hoạt thống nhất của cộng đồng, gồm có:
ü    Cơ chế điều hành tổng thể (chính quyền trung ương).
ü    Các bộ phận đãm nhận các chức năng chuyên môn.
ü    Hệ thống tổ chức chính quyền trung gian.
ü    Cơ sở hạ tầng và quần chúng nhân dân.

  Tập quyền hay tản quyền là cách thức điều hành xã hội được thực hiện theo cấu trúc chiều dọc hoặc chiều ngang.

·                 Tập quyền.

 Chế độ tập quyền theo cấu trúc chiều ngang là sự thống nhất các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp vào một cá nhân hay cơ quan lãnh đạo trung ương. Tập quyền theo chiều dọc là bộ máy lãnh đạo trung ương có toàn quyền quyết định mọi việc từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở thông qua sự thừa hành của các cấp chính quyền trung gian.
·                 Tản quyền.

 Tản quyền là hình thức phân chia quyền lực của chính quyền trung ương theo hàng ngang bằng cách phân quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho ba cơ quan độc lập và chế ước lẫn nhau hoặc theo hàng dọc tức là bộ máy chính quyền trung ương giao quyền tự trị cho các cấp chính quyền bên dưới.

·                 Mối liên hệ giữa tập quyền và tản quyền.

   Tập trung quyền lực, thành lập một chủ thể đại diện quyền lực công điều hành những hoạt đông chung của cộng đồng là một xu thế tất yếu nhưng các quá trình vận động khách quan của xã hội dựa trên năng lực chủ quan và ý chí tự giác của các cá nhân. Cân đối mối liên hệ giữa tập quyền và tản quyền thiết lập các nguyên tắc xây dựng các mô hình xã hội tự trị thích hợp với các quá trình lịch sử phát triển xã hội loài người.
c.                Độc tài và dân chủ.

- Độc tài: là sự tiếm quyền thống trị của cá nhân hay một thiểu số lên toàn bộ xã hội bằng bạo lực thông qua cơ chế nhà nước. Nhà nước chuyên chế tác động các quá trình thụ động của cơ chế cai trị bất công bởi những quan niệm quyền lực xã hội do thiên mệnh (nhà vua) hoặc do một nhóm người có sức mạnh chiếm lấy đặc quyền hay một thủ đoạn chính trị lừa đảo ở giai đọan lịch sử phát triển xã hội dân trí còn thấp. Sự chuyển giao quyền lực trong chế độ độc tài thông qua một cuộc cách mạng bạo lực.   
- Dân chủ: Chính người dân và các tổ chức xã hội dân sự là chủ thể tham gia vào mọi hoạt động xã hội. Chính quyền có trách nhiệm quản lý và tác động sự phát triển xã hội dựa trên pháp luật và các chính sách vĩ mô. Trong chế độ dân chủ, “quyền” của người dân được tự do tham gia mọi sinh hoạt cộng đồng và chọn lựa người đại diện vào các cơ quan công quyền. Có hai hình thức thực hiện quyền dân chủ: trực tiếp hay gián tiếp.

·                 Dân chủ trực tiếp: nguyên tắc tự do nhân quyền và bình đẳng về dân quyền; đa số thắng thiểu số.
·                 Dân chủ gián tiếp: nguyên tắc ủy quyền đại biểu trong hệ thống tổ chức thông qua nhiều cấp và nguyên tắc pháp quyền.

   Chế độ dân chủ đánh dấu một giai đoạn lịch sử con người ý thức quyền tự do cá nhân và chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân. Dân chủ thành lập các qui trình vận động xã hội khách quan với sự chuyển giao quyền lực thống trị xã hội bằng hình thức tự giác giữa các thành phần xã hội.

- Mối liên hệ giữa độc tài và chuyên chế:

·                 Chuyên chế và dân chủ là hai mặt tương phản trong mối liên hệ thống nhất: chuyên chế là nền tảng của dân chủ (dân chủ không đến một cách tự nhiên mà thông qua cách mạng xã hội bởi ý chí tự giác của bộ máy lãnh đạo và ý thức hệ xã hội); dân chủ thống nhất chuyên chế quyền lực xã hội.  
·                 Mối liên hệ biện chứng giữa dân chủ và chuyên chế qui định khuynh hướng vận động tất yếu của quá trình phát triển và hoàn thiện xã hội loài người trong mối liên hệ quyền lực: từ sự chuyển hóa chuyên chế quyền lực cục bộ, chủ quan sang hình thái dân chủ, khách quan và toàn diện của xã hội.


III.                Lược sử phát triển các chế độ xã hội.

   Con người, điều kiện sinh hoạt, môi trường sống là những yếu tố thành lập nền văn hóa của một cộng đồng xã hội; nhiều nền văn hóa khác nhau tác động thành lập nhiều mô hình tổ chức và nếp sinh hoạt khác nhau trong cộng đồng thế giới. Lịch sử tiến hóa xã hội loài người bao gồm những nguyên nhân xãy ra từ bên trong (tư tưởng, tranh chấp quyền lực giữa các lực lượng xã hội) hoặc từ bên ngoài do sự tác động của các nền văn hóa hay sự cạnh tranh quyền lực từ các quốc gia khác. Trải qua hàng triệu năm kể từ khi xuất hiện loài người tinh khôn sống du mục, bày đàn đến định canh, định cư để ổn định cuộc sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt; nhiều thế hệ gia đình chung sống, liên kết với nhau và mở rộng thành những cộng đồng xã hội. Lịch sử loài người tiến hóa phân bố nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới như: nền văn minh Lưỡng Hà, nền văn minh chịu ảnh hưởng Tôn Giáo ở Ấn Độ, Hồi Giáo, Nho Giáo ở phương Đông, nền văn minh Hy-La ở Âu châu, nền văn minh Maya và Olmec ở Mỹ châu…Những nền văn hóa khác nhau có ảnh hưởng đến các mô hình tổ chức và sự phát triển tại các khu vực khác nhau trên thế giới dưới hình thức gia tộc, bộ lạc, bộ tộc và nhà nước.
  Nền quân chủ chuyên chế tập trung quyền lực vào một vị vua ở giai đoạn đầu tiên của lịch sử phát triển xã hội loài người là một nhu cầu tất yếu nhằm bảo vệ lợi ích chung, khắc phục sự khác biệt to lớn và những xung đột thường xuyên của môi trường xã hội hoang dã chưa có luật pháp vừa phải đối phó với những đe dọa chiến tranh từ các thế lực bên ngoài. Những quốc gia đầu tiên ở phương Đông được thành lập vào cuối thiên kỷ IV và đầu thiên kỷ III nằm trên vùng có những con sông lớn chảy qua gồm có: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc. Các quốc gia phương Tây xuất hiện sau phương Đông khoảng một ngàn năm với nền văn mimh Hy Lạp cổ đại từ cuối thiên kỷ thứ III đến đầu thiên kỷ thứ II trước CN. Nội dung bài viết này chỉ nêu ra một vài đặc điểm các quá trình thành lập của nhà nước quân chủ chuyên chế tiêu biểu chịu ảnh hưởng nền văn minh Nho Giáo ở phương Đông và các quốc gia phương Tây chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh Hy-La.
1.               Nền quân chủ chuyên chế.

a.               Chế độ quân chủ Nho Giáo tại phương Đông.

   Từ 15 ngàn năm trước CN, cư dân sống gần lưu vực các con sông lớn thuộc vùng đông châu Á bắt đầu sống định canh định cư nhờ biết thuần hóa gia súc và trồng lúa nước. Đời sống thiên nhiên giúp cho con người suy gẫm quy luật vận hành của vủ trụ lập ra Kinh Dich và nền văn minh Nho Giáo vào thiên nhiên kỷ thứ VI trước CN. Đến thế kỷ thứ VI trước CN, Nho Giáo được Khổng Tử (người nước Lỗ) cùng với các đệ tử của ông biên soạn, hệ thống hóa thành một học thuyết hoàn chỉnh gọi là Khổng Giáo và tích cực truyền bá tư tưởng của mình. Khoảng hai trăm năm sau ngày Khổng Tử mất, tức năm 221 trước CN Tần Thủy Hoàng gôm thu lục quốc, thống nhất Trung Hoa. Tần Thủy Hoàng áp dụng chính sách cai trị đất nước theo tư tưởng pháp gia, vì lo sợ Nho Giáo trở thành mầm móng chống lại triều đình nên ra lệnh đốt sách của Khổng Tử và sát hại nho sinh. Cho đến thời Hán Vũ Đế năm 141 trước CN, Nho Giáo được khôi phục trở thành hệ tư tưởng chính thống của các triều đại Trung Hoa về sau và có ảnh hưởng to lớn tại các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…bởi chính sách cai trị tại các nước bị đô hộ của các hoàng đế Trung Hoa. Nho Giáo cho rằng: Trời đất sinh ra con người, đạo trời và đạo người tương hợp với nhau. Đạo làm người trên căn bản tam cang (đạo vua-tôi, vợ- chồng, cha mẹ và con cái) và ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Vua là người nắm được lẽ trời và thấu triệt đạo làm người được trời giáng mệnh để cai trị, chăn dắt các thần dân; mọi người giữ đúng đạo của mình thì xã hội an hòa. Chế độ quân chủ chuyên chế Nho giáo có những đặc điểm sau đây:

-                  Nhà nước trung ương tập quyền, vua là người đứng đầu nắm giữ trọn quyền cai trị đất nước.

-                  Thành phần quan lại xuất thân từ giới trí thức Nho học được tuyển chọn chủ yếu bằng chế độ khoa cử dựa vào tài năng học vấn và đức độ không phân biệt nguồn gốc xuất thân.

-                  Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu, phần lớn ruộng đất thuộc về nhà nước phân chia cho nông dân canh tác và thu thuế, các thành phần quý tộc, quan lại và có công cũng được phân phong đất đai theo quy định, chính sách tư hữu hóa và mua bán ruộng đất cũng được thừa nhận nhưng xãy ra rất chậm. Xã hội chia ra bốn thành phần: sĩ, nông, công, thương. Sĩ là thành phần lãnh đạo được trọng vọng kế đến là nông, công và thương dưới hình thức tự cung và tự cấp nên chậm phát triển theo nhu cầu đời sống xã hội.

   Nền quân chủ ở Trung Hoa và Việt Nam có những nét cơ bản giống nhau, nhưng theo tài liệu lịch sử, khoảng 2.600 năm trước CN, người du mục Mông Cổ phương bắc vượt sông Hoàng Hà xâm chiếm đất đai và hòa huyết với người bản địa trở thành người Hoa Ha, tổ tiên của người Trung Hoa. Do đó, xã hội Trung Hoa có xu hướng trọng thương và có nhiều mâu thuẫn nội bộ sâu sắc nên chính sách cai trị ở đây hà khắc và phân biệt đẳng cấp hơn so với chính sách cai trị trung ương tập quyền kết hợp với thiết chế tự trị, tự quản cộng đồng làng xã của xã hội phong kiến Việt Nam.
   Nhận xét:
  Từ rất xa xưa nền quân chủ dựa trên văn minh Nho Giáo, một hệ tư tưởng chính trị và triết học có giá trị nhân bản và uyên bác với những đóng góp to lớn vào sự phát triển xã hội tại các quốc gia phương Đông:
-                  Tuyển dụng nhân sự lãnh đạo đất nước thông qua con đường khoa cử không phân biệt thành phần xuất thân nên tạo dựng được truyền thống ham học và phấn đấu tham gia vào công việc phục vụ xã hội của toàn dân. Tại các quốc gia phong kiến phương đông không xãy ra tệ trạng mua bán nô lệ.
-                  Coi trọng vị trí và đào tạo cho xã hội một thành phần sĩ phu, yêu nước có đạo đức, nhân cách, trình độ trí thức, đồng thời xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người về mặt đạo lý xã hội.     
  
-                   Tuy nhiên, vì quá chú trọng đến các giá trị văn hóa đạo đức tinh thần, xây dựng cuộc sống hài hòa giữa con người và vũ trụ mà xem nhẹ việc khám phá thế giới tự nhiên và đầu tư phát triển xã hội bằng phương thức sản xuất, kinh doanh hàng hóa nên chậm phát triển hơn các quốc gia phương Tây về khoa học kỹ thuật và kinh tế vật chất.
  Ngoại trừ các vị vua tàn ác và bất tài, các triều đại vua chúa phong kiến cũng có nhiều bậc anh minh đem lại cuộc sống no ấm và thanh bình cho người dân, chính vì vậy mà các quốc gia phương Đông ít có sự thay đổi bởi những thành phần trí thức Nho học bảo thủ gây trở ngại cho việc cải cách cho kịp với sự tiến hóa của nền văn minh phương Tây.


b.               Chế độ quân chủ tại Âu châu.

-                  Thời kỳ Hy Lạp hóa.

   Từ cuối thiên kỷ thứ III đến đầu thiên kỷ thứ II trước CN, quốc gia Hy Lạp cổ đại là sự liên minh của các thành bang: Athena, Sparta, Thebes, Corinth, Syracuse…. ở nam bán đảo Balkan thuộc vùng Địa Trung Hải Âu Châu. Sau khi chiến thắng các cuộc xâm lược của đế quốc Ba Tư, các thành bang Hy Lạp là những thị quốc giàu mạnh nhờ vào điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho thủ công nghiệp và trao đổi thương mại với các quốc gia lâng bang.  Nền khoa học Hy Lạp cổ đại đạt đến trình độ lý luận có hệ thống và khái quát thành định lý, quy luật ở các lĩnh vực toán học, thiên văn…. với những tên tuổi như: Thales, Pythagore, Euclide … Tư tưởng triết học, chính trị của các học giả Hy Lạp cổ đại như Socrates, Platon, Aristote….làm nền tảng cho việc thiết lập nền dân chủ quý tộc tại Athena và có ành hưởng lớn đến sinh hoạt chính trị của thời kỳ Hy Lạp hóa. Tuy nhiên, do sự tranh chấp nội bộ giữa các thành bang Hy Lạp đã giúp cho vua Philippos II và con trai ông là Alexandros của xứ Macedonia thống nhất tất cả các thành bang Hy Lạp. Alexandros nối ngôi cha cầm quân chinh phạt mở rộng đế chế tới Ba Tư, Ai Cập và Ấn Độ mở ra một thời kỳ phát triển mới gọi là Hy Lạp Hóa, Alexandros đại đế mất năm 323 TCN.

-                  Sự trổi dậy của đế chế La Mã.

  Nhà nước La Mã cổ đại theo thể chế cộng hòa quý tộc được thành lập từ thế kỷ thứ VI trước CN nằm trên bán đảo Ý, một dải đất dài và hẹp vươn ra Địa Trung Hải. Đến năm 27 trước CN, bắt  đầu từ hoàng đế Augustus và những người kế tục thành lập đế chế La Mã rộng lớn kéo dài từ Châu Âu và Địa Trung Hải sang Bắc Phi tới vùng Cận Đông và cực thịnh trong hai thế kỷ đầu. Nền văn hóa La Mã kế thừa nền văn hóa Hy Lạp cổ đại nên còn gọi là nền văn minh Hy-La đã có ảnh hưởng sâu sắc tại Âu châu và lan tõa ra toàn thế giới. Thiên Chúa giáo được công nhận và có ảnh hưởng to lớn đến nền văn minh Âu châu trước khi đế quốc La Mã bắt đầu suy tàn vì nội chiến và chia ra thành hai vùng đế chế Tây La Mã và đế chế Đông La Mã ở thế kỷ thứ III và thứ IV.

-                  Thời kỳ Trung cổ.

  Thời kỳ Trung Cổ tại Âu châu bắt đầu sụp đổ của đế chế Tây La Mã bởi những cuộc tấn công từ bên ngoài (của người German, Visigoth, Anglo-Saxon…) ở thế kỷ thứ V và kết thúc khi đế quốc Đông La Mã bị xâm chiếm bởi đế quốc Ottoman vào khoảng giữa thế kỷ XV, trong suốt gần một nghìn năm, toàn bộ châu Âu bị kìm hãm sự phát triển về nhiều mặt.
  Năm 476 vị hoàng đế cuối cùng của đế chế Tây La Mã đầu hàng vua German cùng với nhiều đội quân xâm lược khác, đất đai của Tây La Mã ban cấp cho các tướng lĩnh, quý tộc và nhà thờ. Nhiều vương quốc phong kiến mới được thành lập dưới hình thức quân chủ phân quyền, mỗi vương quốc được thiết lập bằng hình thức liên minh với các lãnh chúa cát cứ các lãnh địa riêng dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ bới thế lực gần như bao trùm tất cả (về thế tục lẫn tinh thần) của Thiên Chúa giáo và Giáo Hoàng Rôma. Triết học biến mất để nhường chổ cho sự bành trướng của giáo lý thần học Ki-tô giáo và các nền văn hóa địa phương trong khi nền văn hóa Hy Lạp-La Mã thoái trào và được bảo tồn trong các tu viện của đế chế Đông La Mã. Trong thời kỳ này xãy ra nhiều cuộc nội chiến, sự tấn công từ các nước bắc Âu của người Viking, người Magyar từ Hungary và Romania…, những cuộc thập tự chinh chống lại Hồi Giáo từ thế kỷ XI đến XIII và đối đầu với đế quốc Mông Cổ vào đầu thế kỷ thứ XIII.

Nhận xét:

·                 Các quốc gia cổ đại phương Tây xuất hiện chậm hơn phương Đông khoảng một ngàn năm nhưng nhờ điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho sự phát triển thủ công nghiệp, thương nghiệp cộng với những kiến thức khoa học đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển rất nhanh chóng.

·                  Với tinh thần duy lý, các quan điểm triết học, chính trị coi trọng mối quan hệ xã hội đặt trên nền tảng pháp luật. Từ thời kỳ đầu, nhà nước phục vụ cho quyền lợi và sức mạnh của một thiểu số được ưu đãi đã gây ra sự phân hóa và bất công to lớn giữa các thành phần xã hội: quý tộc, công dân bình dân, di dân tự do và nô lệ. Do những mâu thuẫn gay gắt từ bên trong giữa các thành phần xã hội và phải đối diện với hiểm họa chiến tranh từ bên ngoài, thể chế đặc quyền của thành phần quý tộc chuyển sang hình thức trung ương tập quyền.

·                 Chính sự phát triển nhanh chóng về kinh tế làm thay đổi cơ cấu quyền lực xã hội và những mâu thuẫn sâu sắc giữa các thành phần xã hội là nguyên nhân của nội chiến và chiến tranh khốc liệt giữa các quốc gia. Ý thức dân chủ hình thành từ những biến động to lớn mang đậm nét nhiều nền văn hóa của lịch sử phát triển châu Âu.

2.               Nền dân chủ pháp trị.

a.               Nguyên nhân.

-                  Thời kỳ Phục Hưng: Chủ nghĩa Nhân Văn.

     Chủ nghĩa nhân văn là cuộc cách mạng diễn ra trên lĩnh vực văn hoá và tư tưởng chống lại giáo quyền và chủ nghĩa kinh viện của Giáo hội, giải phóng cá nhân ra khỏi sự đè nén tinh thần của chế độ phong kiến từ sự sụp đổ của đế chế La Mã vào thế kỷ thứ XV. Với việc khôi phục lại các giá trị văn hóa vốn có từ thời Hy- La cổ đại và những phát minh về kỹ thuật, năng lượng xã hội châu Âu, một lực lượng xã hội mới bao gồm thương nhân, thợ thủ công, tiểu tư sản trí thức tự khẳng định chính mình đã thổi bùng lên những khát khao giải phóng con người. Trong thời kỳ này, lực lượng hùng hậu các nhà triết học, các nhà văn, các nghệ sĩ tài giỏi xây dựng nên một hệ thống lý luận phong phú như: Dante, Boccacio, Alberti, Leonar de Vinci, Montaigne, Copernic và nhà soạn kịch vĩ đại của thếgiới - William Sheakerspear. Chủ nghĩa nhân văn khẳng định rằng toàn bộ những quan điểm đạo đức, chính trị bắt nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên kỳ ảo, mọi giá trị tinh thần và vật chất được sản sinh ra trong xã hội không ngoài cuộc sống của nhân loại mà chính từ con người tồn tại thực tế trên trái đất với những nhu cầu, những khả năng trần thế và hiện thực của nó. Cùng với việc sáng chế ra máy in, sách vở được ấn hành nhiều hơn nên sự truyền bá tư tưởng năng động của thời Phục Hưng lan tõa rất nhanh, vượt hẳn các dân tộc khác và làm bá chủ thế giới suốt mấy thế kỷ về tất cả các phương diện kinh tế - chính trị - văn hoá.

-                  Thời kỳ Khai Sáng.
Tiếp theo thời kỳ Phục Hưng, thời kỳ Khai Sáng là giai đoạn áp dụng lý tưởng nhân văn vào đời sống xã hội, thay đổi quan niệm về vị trí con người trong mối quan hệ quyền lực và cơ cấu nhà nước. Lý thuyết về quyền tự nhiên và khế ước xã hội của các tác giả: John Lock (1632_1704) người Anh cho rằng, con người chấp nhận từ bỏ cuộc sống ở trạng thái tự nhiên để xây dựng cộng đồng và thành lập nhà nước thông qua những khế ước xã hội; JJ Rousseau (1712-1778) người Áo tiếp tục đi xa hơn khi cho rằng quyền lực phải trao cho những người đại diện cho ý nguyện của quần chúng và hiến pháp là bản khế ước xã hội cơ bản nhất làm nền tảng cho những thõa ước khác của cộng đồng. Một tác giả khác là Montesquieu (1689-1755) ở Pháp cho rằng, quyền lực nhà nước cần phải phân chia thành ba quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp do các thiết chế khác nhau nắm giữ để cân bằng quyền lực nhà nước. 
  Tư tưởng thời khai sáng đã ảnh hưởng lớn đến nền quân chủ Âu châu, tác động mạnh mẽ đến cuộc cách mạng Hoa Kỳ (1775-1789), cách mạng Pháp (1789-1799) và làm nền tảng tư tưởng thiết lập các nền tự do, dân chủ của nhiều quốc gia trên thế giới.   

b.               Đặc điểm.

  Nền dân chủ pháp trị nhằm mục tiêu xây dựng quyền lực xã hội thuộc về toàn dân dựa trên các nguyên tắc:
-                  Pháp luật có quyền lực cao nhất: pháp luật phản ánh ý chí, phục vụ quyền lợi người dân và cộng đồng; không ai hoặc tổ chức nào đứng trên pháp luật, mọi sinh hoạt xã hội đều bị chi phối và điều chỉnh bởi pháp quyền. Hiến pháp là đạo luật căn bản thiết lập mô hình tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước vừa quy định nội dung hệ thống pháp luật của một quốc gia.

-                  Nguyên tắc bình đẳng: bình đẳng được xây dựng trên nền tảng tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do căn bản của con người; mọi cá nhân, thành phần, tổ chức xã hội cùng tồn tại và được công nhận hợp pháp trong một cơ chế xã hội đa nguyên có quyền bình đẳng trước pháp luật.

-                  Nguyên tắc đại diện: quyền công dân được thực hiện bởi cơ chế ủy quyền cho người đại diện vào các vị trí công quyền thông qua thủ tục bầu cử theo nguyên tắc đa số thắng thiểu số.

-                  Nguyên tắc trung ương phân quyền: Mô hình nhà nước tách riêng ba chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp cho ba cơ quan độc lập thực hiện, đồng thời tuân theo cơ chế ràng buộc, chế ước, kiểm tra và giám sát lẫn nhau; không có một cá nhân hay cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị quốc gia.

Nhận xét:
-                  Nhà nước dân chủ do dân và vì dân được các tư tưởng gia thời kỳ khai sáng vẽ vời về mặt lý thuyết nhưng trên thực tế, cơ chế đại diện đã bị lợi dụng bởi sự cấu kết bè phái, sử dụng đồng tiền hoặc các thế lực ngầm để tranh dành nắm giữ quyền lực ở các cấp cao nhất của nhà nước.

-                  Hệ thống luật pháp trong cơ chế đại diện cũng không phản ảnh nguyện vọng của đa số mà dựa trên quan điểm phục vụ quyền lợi của giai cấp cầm quyền.  Sự cai trị xã hội bằng pháp luật thống nhất từ trung ương đến địa phương nói lên tính chất chuyên chế của một nhà nước trung ương tập quyền.

-                  Nhà nước pháp trị có xu hướng sử dụng pháp luật can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân và các sinh hoạt cộng đồng khiến cho xã hội vận hành theo một cơ chế máy móc và thụ động một cách phi nhân tính. Sự can thiệp không cần thiết của pháp luật ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân, phá vở các mối quan hệ tốt đẹp xã hội, ý thức tự giác thực hiện những nghĩa vụ thiêng liêng được xây dựng bởi nếp sống văn hóa và hệ thống quy phạm đạo đức xã hội.

   Mô hình nhà nước dân chủ pháp trị chỉ mang tính hình thức, quyền dân chủ bị lợi dụng do các thủ đoạn cạnh tranh quyền lực xão quyệt của các tổ chức đảng phái chính trị. Kinh nghiệm thực tế cho thấy: nền dân chủ pháp trị hiện nay chưa thực sự hoàn hảo hầu đem lại sự bình đẳng và hạnh phúc cho toàn dân. Việc cổ xúy dân chủ chỉ là một chiêu bài để các cường quốc phương Tây can thiệp và cài cắm các thế lực ngầm lũng đoạn tình hình chính trị tại nhiều quốc gia lạc hậu như Việt Nam, Thailand và các quốc gia nhược tiểu khắp các châu lục. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: nền dân chủ pháp trị Tây phương vẫn phát huy được mặt tích cực khi áp dụng vào các quốc gia còn nắm giữ được chủ quyền và duy trì nền văn minh Nho Giáo (giá trị Á Châu) với những vị lãnh tụ và hệ thống quan lại còn giữ được phẫm chất kẻ sĩ hết lòng vì dân, vì nước.

2.               Chế độ Cộng Sản.

   Bắt đầu ở Anh Quốc với việc cải tiến kỷ nghệ dệt gắng liền với những tiến bộ của các lĩnh vực khác, cách mạng công nghiệp bùng nổ tại Âu châu vào thế kỷ XIIX đã nâng cao mức sống các thành phần xã hội ưu đải nhưng đồng thời nó cũng đẩy một bộ phận nhân dân lao động vào chổ thất nghiệp, công nhân làm việc vất vả với số lương rẻ mạt. Sự phân hóa giàu nghèo giữa giới chủ và thợ thuyền không được luật pháp bảo vệ đúng mức ngày càng sâu sắc, nhiều phong trào đấu tranh chống lại xu thế công nghiệp hóa gây ra cuôc sống khốn khó của người dân nghèo (như phong trào Luddite thành lập năm 1811 đã có những hành động đập phá máy móc, đốt nhà xưởng, thậm chí sát hại luôn chủ nhà máy). Chủ nghĩa Cộng Sản được viết ra bởi Karl Marx (1818-1883) một triết gia người Đức. Ông cho rằng: hình thái kinh tế tư bản phát triển dựa trên sự bóc lột của các nhà tư bản trên công sức của thành phần lao động. Sự ra đời của giai cấp công nhân có sứ mệnh thực hiện cách mạng giành lấy chính quyền là quá trình phát triển tất yếu của xã hội loài người nhằm xóa bỏ bất công thông qua cơ chế phương tiện sản xuất thuộc sở hữu toàn dân dưới sự lãnh đạo của nhà nước đại diện cho giai cấp vô sản.
   Sau thắng lợi cách mạng tháng 10 năm 1917 của đảng Cộng Sản Nga đối với Nga hoàng, Lenin (1870-1924) thiết lập nền chuyên chính vô sản, áp đặt đường lối chính trị cực đoan đi ngược lại quy luật tiến hóa khách quan của xã hội loài người. Những sai lầm của Kal Marx và Lenin sau đó đã bị lợi dụng và khai thác triệt để, biến chủ nghĩa Cộng Sản thành một học thuyết dã man, tàn ác chống lại nhân loại hầu dập tắt một phong trào đấu tranh của lực lượng lao động mang tầm vóc quốc tế của các thế lực Tư Bản theo phương thức: lấy độc trị độc; lấy Cộng Sản để tiêu diệt Cộng Sản. Marx và Lenin đã không thể tiên đoán cực điểm phát triển chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước tồn tại dưới hình thức chuyên quyền của một nhóm tài phiệt núp sau bộ máy lãnh đạo của các cường quốc điều hành và quyết định vận mệnh của nhân loại. Ít ai nghĩ rằng: những biến cố lịch sử sau thế chiến thứ II là một âm mưu duy ý chí, được nuôi dưỡng bằng sức mạnh đồng tiền và tham vọng quyền lực cá nhân của các lãnh tụ Cộng Sản đệ tam quốc tế cùng với những thủ đoạn chính trị xảo quyệt và dã man nhất lịch sử nhân loại nằm trong kế hoạch toàn cầu hóa.
-                  Hội nghị Yalta năm 1945 gồn có đại diện của ba nước Mỹ, Anh va Nga chia bản đồ thế giới thành hai vùng lãnh thổ dưới sự lãnh đạo của hai cường quốc Mỹ và Nga gây ra cuộc chiến tranh lạnh nhằm chia rẽ và thống trị thế giới dựa trên đường lối chính trị và sức mạnh quân sự lưỡng cực của các thế lực Tư Bản; loại trừ chủ nghĩa Đế Quốc cũ, đồng thời triển khai chiến lược toàn cầu bằng chính sách Thực Dân mới dưới chiêu bài dân chủ hóa hầu có lý do can thiệp, thôn tín và quản lý, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia trên địa cầu.
-                  Các cuộc thảm sát quy mô chính đồng bào của mình xãy ra tại các nước Cộng Sản như: Nga, Trung Cộng, Việt Nam thông qua chính sách cải cách ruộng đất, thanh trừng chính trị nội bộ… sẽ không xãy ra nếu không có sự tác động bởi những thế lực từ bên ngoài.
-                  Chiến tranh lạnh không mang ý nghĩa của cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Tự Do, Dân Chủ mà thực chất là một âm mưu sử dụng chế độ Cộng Sản để tiêu diệt các nền văn hóa khác (Nho Giáo, Hồi Giáo…) với mục đích truyền bá văn hóa phương Tây đi đôi với chiến lược thống trị toàn cầu.
-                   Sự sụp đổ của khối Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu, sự trổi dậy của Trung Cộng thành cường quốc kinh tế, quân sự đứng thứ hai thế giới, sự chiến thắng cua đảng CSVN vào ngày 30/4/1975 áp đặt sự thống trị của chế độ độc tài toàn trị hầu kìm hãm sự phát triển đất nước Việt Nam đánh dấu một giai đoạn của chiến lược toàn cầu hóa.
-                  Lòng yêu nước mù quáng bị lừa đảo vì sự yếu kém về nhận thức chính trị đã biến đất nước ta trở thành con bài tranh chấp quyền lực của các cường quốc. Những kẻ chủ mưu chiến tranh Quốc - Cộng, gây chia rẽ sâu sắc giữa các cộng đồng người Việt Nam hiện nay được xem là ân nhân và trở thành vị cứu tinh được kỳ vọng bởi đa số đồng bào ta là một bi kịch của lịch sử dân tộc.


Tường Vi


0 nhận xét:

Đăng nhận xét