Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Chinh Tri La Gi?

 CHÍNH TRỊ NHẬP MÔN

                                                                              Bài 01: Chính Trị Là Gì?

 I. Chính trị là gì?

 1.   Khái niệm chính trị

  Con nguời là sinh vật có ý thức, nhờ có ý thức con nguời sống thành xã hội. Đời sống có tổ chức là một nhu cầu tự nhiên làm nên sức mạnh và sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Xã hội gồm có bộ máy điều hành mọi sinh hoạt cộng đồng và một tập hợp nhiều cá thể, nhiều tổ chức sinh hoạt chung trong môi trường luôn tồn tại những khác biệt về sở thích, nhận thức, quan niệm, mâu thuẫn về quyền lợi, tranh giành quyền lực và khuất phục lẫn nhau. Đời sống cộng đồng luôn phân hóa thành hai thành phần thiện và ác: người tốt biết chế ngự cá tính xấu để tự hoàn
thiện, kẻ xấu mưu cầu lợi ích vị kỷ bằng những hành vi tàn ác, thấp kém. Thành phần tàn ác với những tham vọng và hành vi trục lợi tham lam, gây ra mâu thuẫn tranh chấp và bất ổn xã hội, đại diện cho mặt phi nghĩa. Thành phần lương thiện với những hoạt động nhân ái, vị tha, ra sức chống lại cái ác, bảo về quyền lợi, cuộc sống ổn định và sự phát triển chung của cộng đồng, đại diện cho mặt chính nghĩa.

    Ban đầu, một thiểu số người dựa vào sức mạnh áp đặt quyền thống trị bất công lên các thành phần khác gây ra mâu thuẫn, tranh chấp thì một lực lượng chính trị đối lập huy động sức mạnh đông đảo người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh chống lại giới cầm quyền để thành lập một chính quyền mi đại diện cho công lý và lợi ích cộng đồng. Nếu bộ máy nhà nước không được xây dựng trên những nguyên tắc công bằng và hợp lý thì lâu dần quyền lực tha hóa bị kẻ ác chiếm đoạt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Trật tự và công lý chỉ có thể khôi phục bằng một cuộc cách mạng thay thế bộ máy cầm quyền cũ bằng một bộ máy lãnh đạo mới hợp với lòng dân. Để có thể đem lại sự thống nhất và ổn định trật tự trong đời sống chung, những mâu thuẫn, tranh chấp xã hội luôn luôn được dàn xếp và giải quyết thông qua những hoạt động đấu tranh khuất phục lẫn nhau giữa hai thế lực thiện và ác. Thiết lập một thể chế thống nhất cộng đồng và xu hướng tiến tới hoàn thiện một mô hình nhà nước cai trị xã hội ưu việt được gọi là chính trị. Nó có ý nghĩa tương đối đầy đủ trong một khái niệm khái quát sau đây:

 “chính trị là những hoạt động đấu tranh giữa hai lực lượng thiện và ác nhằm điều hoà các mối liên hệ thống nhất giữa con người chung sống trong cộng đồng với sự điều hành của một bộ máy thống nhất quyền lực xã hội”.

 
Lịch sử thành lập và phát triển xã hội là quá trình đấu tranh giành lại công lý và những lợi ích công cộng từ một thế lực ác tiếm quyền, chính trị có thể xem như một hình thái đấu tranh xã hội giữa lực lượng đại diện cho cái thiện chống lại cái ác, một sứ mệnh thiêng liêng của những con người đấu tranh chân chính đem lại sự công bằng, bác ái và nền hòa bình cho nhân loại, thúc đẩy các quá trình tiến hóa từ cuộc sống lạc hậu, dã man sang thế giới loài nguời tiến bộ và văn minh.
2.     Cơ chế điều hoà sự thống nhất xã hội: công lý và công quyền.

   Thuật ngữ chính trị có ý nghĩa: chính có nghĩa là ở giữa, trung tâm tức là sự công bằng; chính còn có ý nghĩa là ngay chính, lẽ phải, quyền lợi chung. Trị là an, còn nghĩa là sửa chữa, chỉ sự cai trị, điều hành quốc gia, làm cho xã hội ổn định trên cơ sở an dân, làm cho toàn dân được ấm no, hạnh phúc.  Xã hội tập hợp nhiều cá nhân, thành phần cạnh tranh với nhau trong cuộc sống chung. Khi xãy ra tranh chấp giữa các cá nhân hay các thành phần xã hội, muốn vãng hồi trật tự đòi hỏi sự can thiệp, khuất phục bởi một thế lực đại diện cho sức mạnh và ý chí cộng đồng. Do đó, điều hoà mối liên hệ thống nhất xã hội cần đến cơ quan công quyền điều hành những hoạt động xã hội theo các quy tắc được sự đồng tình của cộng đồng tức công lý xã hội. 

 a.    Quyền lực công (cơ quan công quyền).

 Quyền lực công là cơ quan quyền lực đại diện cộng đồng điều hành mọi sinh hoạt xã hội có chức năng bảo về trật xã hội, điều hoà mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ giữa các cá nhân, thành phần xã hội hoặc giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. 

b.    Công lý:

  Công lý bao gồm các quan điểm hợp với lẽ phải được đại bộ phận xã hội thừa nhận, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng cộng đồng ở một giai đoạn lịch sử phát triển của xã hội loài người. Sự xác lập các giá trị chung cho các sinh hoạt thống nhất của cộng đồng hình thành một quyền lực tinh thần khống chế toàn bộ xã hội, bó buộc mọi người phải tự giác tuân thủ để bảo về quyền lợi và nghĩa vụ cho mọi thành phần xã hội, gọi là “công lý”. Hiến pháp và các định chế tri thức xã hội được xem là công lý bao gồm những quy tắc khuôn mẫu xác lập vị trí, quyền lợi, nghĩa vụ và những hành vi cá nhân hợp với lẽ phải cũng như áp dụng các nguyên tắc thành lập, quy định vị trí, chức năng của bộ máy công quyền.
 
Công quyền và công lý có liên hệ mật thiết với nhau: công quyền là bộ mày quyền lực công; công lý là những quan điểm xã hội làm nền tảng tư tưởng cho những sinh hoạt cộng đồng. Mô hình tổ chức quyền lực công và các quan điểm, giá trị tư tưởng xã hội đại diện cho công lý được thiết lập bởi ý thức con người thay đổi theo từng giai đoạn tiến hoá của lịch sử. Công quyền và công lý là hai mặt thống nhất trong một cơ chế điều hoà những sinh hoạt chung của cộng đồng: công lý tồn tại trên cơ sở quyền lực và quyền lực tồn tại trên nền tảng công lý xã hội; công lý chỉ được bảo về bởi sức mạnh của quyền lực công và quyền lực công chỉ bền vững khi nó đại diện cho công lý xã hội. Đấu tranh xây dựng và hoàn thiện bộ máy công quyền để bảo về công lý xã hội là nhiệm vụ và mục tiêu hàng đầu của các hoạt động chính trị.

II. Vai trò và chức năng của chính trị:

    Để hoàn thiện mô hình điều hành hoạt động xã hội, phát huy tối đa hiệu quả sức mạnh cộng đồng vào công việc phát triển đất nước, nhiệm vụ chính trị của một quốc gia cần phải thực hiện đầy đủ bốn chức năng căn bản sau đây:

-       Chức năng điều chỉnh mối quan hệ bình đẳng xã hội về mặt quyền lực.

-       Chức năng điều hoà các mối liên hệ xã hội.

-       Chức năng điều chỉnh và hoàn thiện các quy trình vận động khách quan của xã hội.

-       Chức năng điều chỉnh mối quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia trong cộng đồng thế giới. 

 1.  Chức năng điều chỉnh mối quan hệ bình đẳng xã hội về quyền lực thông qua các quá trình hoàn thiện mô hình nhà nước. 

 a.    Quyền lực là mối quan hệ cơ bản của xã hội:

  Bộ máy quyền lực công có vai trò thống trị, điều hành những hoạt động chung của con người trong cộng đồng là xu hướng tập trung quyền lực vào một chủ thể (cá nhân, một tổ chức hoặc bộ máy nhà nước). Lịch sử thành lập quyền lực công là quá trình phát triển tất yếu của xã hội có tổ chức, từ những con người sống rời rạc không có tổ chức tiến đến một cộng đồng có tổ chức; từ hình thức tổ chức xã hội đơn giản đến hoàn thiện các mô hình xã hội phức tạp và tiến bộ thông qua các quá trình thành lập quốc gia của các dân tộc.

  Quyền lực công nắm giữ và chi phối quyền lực chung của xã hội. Quyền lực có thể khuất phục, bắt buộc người khác phải tuân theo mệnh lệnh và phục vụ tham vọng của ai nắm giữ nó một cách bất công. Bình đẳng quyền lực là nền tảng của sự bình đẳng giữa con người trong các mối liên hệ xã hội. Chính những nguyên tắc bình đẳng đuợc áp dụng để thành lập bộ máy công quyền là tiền đề giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp và đem lại sự ổn định, trật tự xã hội. 

 b. Chế độ chính trị. 

 Cơ quan công quyền thống nhất quyền lực xã hội với chức năng cưỡng chế, điều tiết mọi hoạt động xã hội, bao gồm hệ thống tổ chức, đường lối chính trị, chính sách, qui chế, pháp luật nhà nước. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mô hình tổ chức xã hội được xây dựng trên nền tảng của một hệ tư tưởng đặc trưng cho thể chế chính trị của một quốc gia. Lịch sử phát triển các chế độ xã hội tồn tại hai hình thức: độc tài hoặc dân chủ. 

 -                 Chế độ độc tài:

  Nhà nước độc tài sở hữu chuyên chế quyền lực xã hội, áp đặt sự thống trị bất công của cá nhân hoặc một nhóm thiểu số lên toàn bộ xã hội bằng sức mạnh bạo lực. Chế độ chuyên chế được thiết lập bởi quan niệm thiên mệnh (nhà vua) hoặc chuyên chính giai cấp hay do một thủ đoạn chính trị lừa đảo của một nhóm người dựa trên sức mạnh chiếm lấy đặc quyền thống trị ở giai đoạn lịch sử phát triển xã hội dân trí còn thấp. Các mô hình chuyên chế được thành lập trong lịch sử như: chế độ bộ tộc, bộ lạc, quân chủ chuyên chế hoặc nhà nước chuyên chính vô sản v.v…Trong chế độ độc tài, khi bộ máy thống trị đi ngược lại lòng dân thì những hoạt động chính trị là sự đàn áp hoặc chống lại nhà cầm quyền bằng các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho sự thay đổi, chuyển giao quyền lực xã hội bằng một cuộc cách mạng bạo lực.

-        Chế độ dân chủ:

  Chế độ dân chủ là hình thức xã hội hóa quyền lực đối với toàn bộ các thành viên sống trong cộng đồng trên cơ sở tôn trọng quyền tự do cá nhân và các nguyên tắc bình đẳng xã hội trong việc thiết lập cơ quan công quyền. Chế độ dân chủ đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, mọi thành phần, giai cấp tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động nhà nước bằng hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền đại biểu thông qua chế độ trưng cầu dân ý trong một đơn vị xã hội theo nguyên tắc đa số thắng thiểu số. Các mô hình dân chủ được thiết lập trong lịch sử như: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại nghị, chế độ cộng hòa v.v… Trong chế độ dân chủ, luật pháp quy định cụ thể nhiệm kỳ của bộ máy công quyền nên sự chuyển giao quyền lực xã hội có tính tự giác. Sinh hoạt chính trị trong xã hội dân chủ chú trọng đến các sinh hoạt thành lập đảng chính trị, tham gia ứng cử vào các vị trí công quyền và công tác vận động quần chúng của các chính khách lãnh đạo các đảng phái.
  Chuyên chế và dân chủ là hai mặt tương phản trong mối liên hệ thống nhất: chuyên chế là nền tảng của dân chủ, dân chủ thống nhất chuyên chế quyền lực xã hội. Mối liên hệ biện chứng giữa dân chủ và chuyển chế qui định khuynh hướng vận động tất yếu của quá trình phát triển, hoàn thiện xã hội loài người trong mối liên hệ quyền lực: từ sự chuyển hóa chuyên chế quyền lực cục bộ, chủ quan sang hình thái dân chủ khách quan và toàn diện. Một nhà nước đại diện cho công lý phải chia sẻ quyền lực đồng đều cho mọi thành viên, đáp ứng nguyện vọng và ý chí của đại bộ phận nhân dân được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ và các mối quan hệ tốt đẹp của xã hội trên cơ sở tôn trọng phẫm giá và quyền tự do con người. Nhiệm vụ của chính trị là nỗ lực đấu tranh cải cách xã hội, xây dựng một mô hình nhà nước tối ưu đại diện công lý phục vụ cho quyền lợi quốc gia và công bằng xã hội, góp phần hoàn thiện nền văn minh nhân loại.

 c. Chức năng duy trì ổn định trật tự xã hội trên cơ sở điều chỉnh và hoàn thiện các mối quan hệ xã hội: công bằng và bác ái.

  Sau khi thiết lập bộ máy công quyền, sinh hoạt chính trị của một quốc gia nhằm khắc phục những tiêu cực, hoàn thiện hệ thống quản lý xã hội, bảo về trật tự, duy trì sự ổn định và thúc đẩy thực hiện các đường lối, chính sách phát triển đất nước về mọi mặt.
  Sự vận hành thống nhất xã hội được điều chỉnh bởi hệ thống các quy phạm pháp luật và đạo đức xă hội; quy phạm là hệ thống những quy tắc khuôn mẫu, bắt buộc mọi người phải tuân theo để đem lại trật tự và ổn đinh xã hội, phản ánh trình độ tiến hoá ở một giai đoạn lịch sử của một quốc gia.

- Quy phạm pháp luật: là giềng mối căn bản của xã hội được điều chỉnh bởi pháp luật và sự cưỡng chế của quyền lực nhà nước; mục tiêu của hệ thống quy phạm pháp luật là đạt đến sự công bằng.

- Quy phạm đạo đức: Các mối quan hệ đặc thù của con người được xây dựng trên nên tầng văn hóa, đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán của một dân tộc. Quy phạm đạo đức điều chỉnh hành vi cá nhân bởi lương tâm, tinh thần tự giác thực hiện bổn phận của mọi người đối với cộng đồng; mục tiêu của đạo lý là đạt đến sự bác ái.

  Pháp luật và đạo lý là hai mặt đối lập trong cơ chế điều hành vận động xã hội có liên hệ mật thiết với nhau trong mối liên hệ biện chứng: pháp luật là giềng mối chung được xây dựng trên nền tảng các giá trị đạo đức xã hội có chức năng duy trì trật tự xã hội bằng hình thức cưỡng chế của nhà nước; đạo lý là mối quan hệ giữa con người được xây dựng trên nền tảng đạo đức, tình cảm và các giá trị văn hóa xã hội. Đạo lý là nền tảng của luật pháp, các mối quan hệ xã hội vượt qua giới hạn đạo lý thì luật pháp điều chỉnh bằng hình thức cưỡng chế, ngăn chặn bản tính ác trong con người hầu đem lại sự công bằng xã hội. Ngược lại, nếu pháp luật chi phối hoặc can thiệp một cách máy móc vào các quan hệ đạo lý xã hội làm ảnh hưởng đến quyền tự do, tinh thần tự giác và các giá trị văn hóa, đạo đức con người.
Thực chất của sự phân hóa giữa hai mặt chính nghĩa và phi nghĩa của xã hội là nguyên nhân dẫn đến đấu tranh mà cứu cánh của sự phát triển của loài người là hướng đến xây dựng một nền dân chủ pháp trị phát huy tối đa giá trị nhân bản và quyền tự do của con người; hoàn thiện bộ máy công quyền, đem lại sự công bằng, ổn định, trật tự và thống nhất xã hội. 

 d. Chức năng điều chỉnh và hoàn thiện quy trình vận động khách quan của xã hội. 

 Chính trị còn có nghĩa là hướng dẫn sự phát triển xã hội theo một đường lối phù hợp với quy luật khách quan: huy động toàn diện nguồn lực xã hội (vật chất và trí thức) và định hướng đúng đắn sự phát triển xã hội. 

 -                 Huy động và điều chỉnh nguồn lực xã hội: khách quan và chủ quan.

 Bộ máy lãnh đạo là mặt chủ quan; cộng đồng xã hội là mặt khách quan.

 Xã hội tiến bộ nhờ ở cơ chế điều hành quốc gia, thành phần lãnh đạo xã hội phải là một lực lượng xã hội ưu tú có tài năng, phẩm chất đạo đức và trình độ hiểu biết, vận dụng được những tiến bộ khoa học vào việc phát triển đất nước đạt hiệu quả cao nhất ở mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế văn hoá, khoa học (kỹ trị). Cởi bỏ cơ chế chính trị chuyên chính lạc hậu, hoàn thiện bộ máy nhà nước tự do, dân chủ để những người tài giỏi có cơ hội gánh vác vai trò lãnh đạo; phát triển tài năng con người và huy động tối đa nguồn lực đóng góp vào sự phát triển của xã hội. 

 Quần chúng nhân dân đại diện cho toàn bộ cộng đồng xã hội là mặt khách quan, nó cung cấp cho đất nước một nguồn lực dồi dào bất tận. Một nền chính trị lành mạnh phải biết bồi dưỡng sức dân và phát huy sức mạnh quần chúng vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Nâng cao trình độ dân trí, thương yêu và chăm lo đời sống của đại bộ phận quần chúng nhân dân, thực hiện chính sách phúc lợi đồng đều và tạo ra những cơ hội công bằng đối với mọi thành phần xã hội tham gia vào sinh hoạt cộng đồng là cứu cánh của một nền chính trị kết hợp chất chẽ và phát huy tối đa vai trò hai mặt chủ quan và khách quan của xã hội.

 -        Đề cao giá trị tinh thần là định hướng đúng đắn của sự phát triển xã hội.   

 Xã hội loài người tồn tại hai nền văn minh tương tác với nhau: nền văn minh tinh thần sáng tạo nền văn minh vật chất và nền văn minh vật chất phục vụ đời sống con người. Trình độ tiến hoá của một quốc gia tuỳ thuộc vào trình độ văn hóa, đời sống tinh thần và ý chí của dân tộc tạo nên sức mạnh của quốc gia đó. Một xã hội có văn hóa bao gồm nhiều công dân có học thức, phẩm chất đạo đức, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người về mặt tinh thần, hướng dẫn cuộc sống đến cứu cánh của chân, thiện, mỹ...

 Nền văn minh vật chất có hai mặt xấu và tốt, vừa cung cấp cho con người những tiện nghi trong đời sống hoặc trao đổi văn hóa, đồng thời nó cũng tiếp tay với cái ác. Ngày nay người ta quá đề cao vài trò của khoa học, kỹ thuật mà không nghĩ đến những tác hại của nó lên đời sống loài người nếu không được kiểm soát và hướng dẫn bởi những giá trị đạo đức tinh thần. Sự phát triển khoa học, kỹ thuật thực sự hữu ích khi phục vụ quyền lợi xã hội và cũng vô cùng tác hại khi nó bị lợi dụng để phục vụ cho tham vọng của những kẻ ngông cuồng, chống lại trật tự của tạo hóa; khống chế và đe dọa hủy diệt loài người. Sự phát triển mất cân đối giữa nền văn minh vật chất và nền văn minh tinh thần là nguyên nhân của cái ác đang thống trị, gây đau khổ cho nhân loại. Xây dựng đường lối chính trị đề cao các giá trị tinh thần, khắc phục những ảnh hưởng xấu của nền văn minh vật chất, đồng thời vận dụng các phương tiện của nền văn minh vật chất phục vụ cho nền văn minh tinh thần; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người để đem lại nền hòa bình và văn minh nhân loại là một định hướng đúng đắn cho sự phát triển xã hội loài người.

 d. Chức năng điều chỉnh mối quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia trong cộng đồng thế giới.

- Chức năng đối ngoại:   

  Sinh hoạt chính trị của quốc gia có hai nhiệm vụ: đối nội và đối ngoại. Chiến tranh bảo vệ chủ quyền của các nước nhược tiểu trước tham vọng xâm lược của các cường quốc viết lên trang lịch sử cộng đồng thế giới, trong môi truờng toàn cầu hóa, vận mệnh một dân tộc liên đới với mọi sinh hoạt chính trị với nhiều dân tộc khác. Khôn ngoan trong chính sách bang giao, hợp tác quốc tế vừa củng cố sức mạnh nội lực, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị, xây dựng đường lối độc lập tự chủ là nội dung sinh hoạt chính trị của một quốc gia.

 -        Đấu tranh cho một trật tự thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

 Chính trị không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà tham vọng tranh chấp quyền lực và trục lợi của các cường quốc tại các quốc gia nhược tiểu gây ra thảm họa đau thương tại nhiều quốc gia trên thế giới.  Mặc dù thế giới ngày nay có những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia thông qua thương lượng và đa phương hóa những tranh chấp quốc tế với việc thành lập Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, hiện nay Liên Hiệp Quốc cũng chỉ có vai trò như một tổ chức dân sự chứ không đủ tư cách đại diện thế giới để giải quyết những tranh chấp quốc tế. Hiểm họa chiến tranh, chạy đua vũ trang tại nhiều quốc gia bởi xu thế toàn cầu hóa có khả năng hủy diệt nhân loại là động cơ đem loài người xích gần lại nhau hơn hầu xây dựng một trật tự thế giới mới: thành lập một bộ máy quyền lực công đại diện cho công lý và sức mạnh toàn cầu. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền độc lập, tự chủ của quốc gia trong một cộng đồng thế giới bình đẳng và thống nhất được điều hoà bởi một cơ chế thống nhất quyền lực thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại nền hòa bình vĩnh cửu là tương lai của một nền chính trị mang tính toàn cầu.

Tóm lại, từ những nội dung trên, ta thử đưa ra một khái niệm: 

 Chính trị là những hoạt động đấu tranh của con người đem lại sự ổn định, thống nhất xã hội thông qua việc hoàn thiện cơ chế nhà nước, đồng thời thúc đẩy các quá trình phát triển khách quan của xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong môi trường tranh chấp quyền lực của cộng đồng thế giới. 

 III. Nâng cao trình độ chính trị xã hội. 

 1.  Vai trò của kiến thức chính trị. 

  Dân mình thường nói: quốc gia đại sự, chính trị là việc trọng đại của một quốc gia. Chính vì thiếu hiểu biết và sai lầm trong chính trị  nên các thế lực ngoại bang đã lợi dụng các phần tử cơ hội, bất tài mà nhiều tham vọng tiếp tay lũng đoạn tình hình chính trị nước ta.
 

  Lịch sử phát triển xã hội bắt đầu từ sự sự dốt nát và mù quáng mà loài người phải chấp nhận trả giá cho sự sai lầm bằng nỗi đau khổ gây ra bởi tội ác và thảm hoạ chiến tranh. Nỗ lực hoàn thiện sự nhận thức, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học v.v… là sứ mệnh của con người phục vụ sự tiến bộ xã hội. Ngoài những nhu cầu vật chất, cuộc sống đòi hỏi những nhu cầu về tinh thần, tâm linh và sự sáng tạo của lí trí được đem lại bởi một nền chính trị nhân bản, tiến bộ, hiểu rõ bản chất, phẩm giá, ý nghĩa, vị trí và mục đích cuộc sống con người trong mối liên hệ với xã hội, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Do đó, chính trị không chỉ là đối tượng của ngành khoa học nhân văn nghiên cứu về cơ cấu con người trong mối liên hệ với cộng đồng và các quá trình vận động khách quan của xã hội với mục tiêu đạt đến cứu cánh của sự phát triển nền văn minh nhân loại.

 Nội dung sinh hoạt chính trị gắng liền với những thuật ngữ: tự do, dân chủ, công bằng, bác ái ….Đó là những khái niệm trừu tượng nhưng nó tồn tại tự nhiên và có giá trị khách quan của một xã hội có nhân tính. Các quan điểm chính trị đúng đắn được phản ảnh bởi một hệ thống lý luận chính trị vĩ mô cần phổ cập rộng rãi để nâng cao trình độ chính trị cho người dân, lành mạnh hóa môi trường chính trị xã hội. Muốn tham gia chính trị phải có viễn kiến, năng lực vận dụng quy luật vận động khách quan của xã hội, đề ra phương pháp và chiến lược đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Chính khách phải có một trình độ hiểu biết tương xứng với nhiệm vụ mới đủ khả năng xem xét tương đối chính xác và toàn diện bản chất các sự kiện chính trị, lịch sử.  Không được trang bị kiến thức chính trị vĩ mô một cách chính quy, các thành phần cơ hội tham gia vào sinh hoạt chính trị vì tham vọng cá nhân chỉ có thể bàn luận vụn vặt các hiện tượng bên ngoài của các sự kiện chính trị, lịch sử một cách hời hợt, thiển cận. Đó là nguyên nhân dẫn đến mất nuớc và môi trường chính trị hỗn độn, bất lực mà cho đến nay cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại vẫn chưa thể rút ra những bài học quý giá cho mình.
2.    Vai trò của các chính khách và chính đảng.   

  Sinh hoạt chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với từng số phận con người, vận mệnh quốc gia, hạnh phúc và sự tiến bộ của nhân loại: một chế độ chính trị lành mạnh, tiến bộ đem lại sự hùng cường cho đất nước; ngược lại, sự lãnh đạo của bộ máy cầm quyền lạc hậu, thối nát dẫn đến sự lụn bại, hủy diệt một dân tộc. Đại bộ phận người dân bình thường không thể am hiểu những vấn để sâu xa của chính trị, họ cần đến sự lãnh đạo, hướng dẫn của thành phần ưu tú có trình độ hiểu biết, phẩm chất đạo đức và tâm huyết với quê hương dân tộc. Sức mạnh và năng lực phát triển của một dân tộc nhờ vào bản lĩnh chính trị, một quốc gia không thể thiếu thành phần trí thức chuyên môn am hiểu chính trị và các tổ chức chính đảng để gánh vác trách nhiệm với đồng bào và Tổ quốc. Chính vì thiếu hiểu biết chính trị và lòng yêu nước mù quáng mà bao thế hệ dấn thân hy sinh xương máu cho cuộc chiến tranh phi nghĩa vừa qua khiến cho đất nước ta rơi vào cảnh ngộ tang thương và bị tụt hậu hàng trăm năm so với các lân bang để gánh lấy một cuộc sống nô lệ, lầm than trước hiểm họa mất nước. Cũng vì thiếu hiểu biết mà nhiều người cho rằng chính trị đồng nghĩa với những mưu mô xảo quyệt, tàn ác nên chủ trương không tham gia chính trị, vô cảm với hoàn cảnh đất nước hoặc để bảo chữa cho thái độ nhu nhược mà họ trở thành đồng lõa, tiếp tay với kẻ ác. 

 Người Việt Nam đã tự đánh mất phương hướng bởi ảnh hưởng các quan điểm chính trị và sự phân hóa của các thế lực ngoại lai. Vận mệnh đen tối của dân tộc Việt Nam đang cần đến một đường lối chính trị độc lập và tự chủ, phản ánh quá trình khách quan, phù hợp với hoàn cảnh chính trị thực tế của đất nước một cách đúng đắn và một lực lượng trí thức có trình độ chính trị, có phẩm chất đạo đức và tâm huyết. Trách nhiệm người trí thức đòi hỏi phải chấp nhận dấn thân lèo lái còn thuyền Việt Nam qua cơn sóng gió, vẻ lại trang sử vẻ vang của dân tộc, không tự biến mình thành còn bài chiến lược, hy sinh xương máu đồng bào cho sự tranh chấp quyền lực thế giới hay những mưu đồ đen tối của các cường quốc.


                                                                                                            Tuongvi


2 nhận xét:

  1. Đoạn này thật là hay
    "Người Việt Nam đã tự đánh mất phương hướng bởi ảnh hưởng các quan điểm chính trị và sự phân hóa của các thế lực ngoại lai. Vận mệnh đen tối của dân tộc Việt Nam đang cần đến một đường lối chính trị độc lập và tự chủ, phản ánh quá trình khách quan, phù hợp với hoàn cảnh chính trị thực tế của đất nước một cách đúng đắn và một lực lượng trí thức có trình độ chính trị, có phẩm chất đạo đức và tâm huyết."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để lèo lái con thuyền dân tộc, tôi nghĩ cân tới những lãnh đạo sáng suốt, một thế hệ lãnh đạo sống và biết cống hiến cho quyền lợi dân tộc.

      Xóa