Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Chính Trị Vĩ Mô

CHÍNH TRỊ NHẬP MÔN
                                                                       Bài 04: Chính Trị Vĩ Mô

 I.        Khái niệm chính trị vĩ mô.
   Ngày nay, những bước tiến bộ vượt bực của khoa học kỷ thuật đem lại cho con người những tiện nghi vật chất nhưng trong đời sống cộng đồng chưa khắc phục được tình trạng đàn áp bất công và sự chênh lệch về thu nhập quá to lớn giữa các thành phần xã hội; tệ nạn, tội ác và chiến tranh xãy ra hằng ngày và khắp nơi trên thế giới. Vai trò và cứu cánh của chính trị là xây dựng xã hội tốt đẹp và đưa loài người tiến đến nền văn minh nhân bản ưu việt. Muốn lành mạnh hóa môi trường chính trị có hai vấn đề cần phải khắc phục: hành động chính trị sai lầm và loại trừ các thủ đoạn tàn ác trong sinh hoạt chính trị của loài người.

-                Chính trị không thể sai lầm, nhiều người vẫn hay ví von: chính trị gia lãnh đạo đất nước như vị bác sĩ điều trị căn bệnh xã hội. Sai lầm trong y khoa có thể làm mất đi một mạng người nhưng một đường lối chính trị sai lầm có thể ngăn cản sự tiến bộ và hủy diệt nhiều mạng người, nhiều dân tộc. Một hệ tư tưởng chính trị đúng đắn thống nhất ý thức loài người phục vụ cho những mục tiêu lý tưởng xã hội tốt đẹp.  

 -                Nhiều người xem chính trị như những thủ đoạn tranh giành quyền lực. Nhiệm vụ  của chính trị là chống cái ác gây ra bởi những thủ đoạn phi chính trị. Quần chúng là nền tảng của quyền lực xã hội, công lý và chính nghĩa được sự ủng hộ của cộng đồng. Những thành phần gian ác vì thiếu chính nghĩa nên phải dùng đến thủ đoạn lừa đảo để thu phục sự ủng hộ của quần chúng. Sử dụng thủ đoạn bất chính trong sinh hoạt chính trị không phản ảnh đúng bản chất và chức năng của những hoạt động đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Cần lưu ý rằng, công lý là những thỏa hiệp của cộng đồng nhưng một số ít không đủ khả năng bảo vệ lẽ phải trước một đám đông bị mê hoặc bởi những chiêu bài chính trị của các thành phần phi nghĩa gian ác. Chính nghĩa chỉ được tôn trọng song song với việc nâng cao ý thức chính trị quần chúng hầu loại bỏ những thành phần cơ hội, trục lợi vì tham vọng quyền lực.

  Kinh tế học chia làm hai ngành: kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô. Kinh tế vi mô nghiên cứu cách thức sử dụng nguồn tài nguyên ở phạm vi cá nhân người tiêu dùng, từng xí nghiệp, từng công ty v.v… Kinh tế học vĩ mô nghiên cứu, phân tích các vấn đề kinh tế tổng thể như: tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDP), lạm phát, thất nghiệp, qui hoạch vùng, v.v... Muốn điều hành kinh tế quốc gia phải có trình độ kinh tế vĩ mô. Điều hành quốc gia đòi hỏi một chính khách chuyên nghiệp phải có trình độ chính trị vĩ mô. Nội dung chính trị vĩ mô hướng dẫn nhận thức chân lý và những phương pháp đấu tranh thực tiễn chống lại những thế lực phi nghĩa, đồng thời vạch ra đường lối, chính sách và các biện pháp can thiệp vào công việc đối nội và đối ngoại của một quốc gia.
 Hiện nay, có nhiều công trình khoa học nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Chúng ta chưa nghe nói đến chính trị vĩ mô vì thế giới chưa có một công trình nghiên cứu khoa học chính trị hoàn chỉnh. Sự mất cân đối giữa hai nền văn minh vật chất và tinh thần gây ra mâu thuẫn và những vấn nạn to lớn trong sinh hoạt xã hội đang cần đến những cải cách sâu rộng về mặt chính trị từ cơ cấu tổ chức quốc gia đến trật tự cộng đồng thế giới. Thiếu hiễu biết về chính trị vĩ mô là một thiếu sót to lớn của nền chính trị Tây phương. Ngày nào chưa áp dụng một hệ thống chính trị đúng đắn thì vẫn còn tồn tại những vấn nạn của xã hội loài người. Chính tri vĩ mô là một thuật ngữ mới mẻ, thế giới chưa có một ngành khoa học chính trị đích thực vì vậy mà những chính khách chân chính cũng thật hiếm hoi. Trong tình hình trước mắt, mục tiêu của bài chia sẻ ngày hôm nay là đi tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam, đồng thời, nó cũng gợi ý cho cuộc cách mạng tư tưởng chính trị toàn cầu trong tương lai 20, 30 hoặc 100 năm tới.

Giải thích từ ngữ:
  Vi: nhỏ; vĩ: là to; mô sự liên kết các thành phần trong một hệ thống, một tổ chức. Vĩ mô và vi mô là hai mặt thống nhất của một tổ chức tồn tại trong thế giới tự nhiên, nó bao gồm sự liên hệ giữa các phần tử (vi mô) và cơ chế điều khiển sự vận hành của hệ thống đó (vĩ mô).

    Để hiểu thêm về vĩ mô và vi mô tôi xin mượn ý của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trong quyển “Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm _ trang 247”:

   “Mọi vấn đề xã hội đều có hai mặt, vi mô (micro) và vĩ mô (macro). Vi mô bao gồm những sinh hoạt của các thành phần trong xã hội với nhau. Vĩ mô bao gồm những nguyên tắc điều hướng sinh hoạt cho cả xã hội. Trong phạm vi bài này, vĩ mô được hiểu là những gì liên quan đến chính sách do chính quyền đề ra, còn vi mô là những hoạt động của người dân trong sinh hoạt cá nhân hay tập thể. Lấy một ví dụ đơn giản trong đời sống hàng ngày là lái xe, thì luật lệ lưu thông thuộc về vĩ mô, còn sự quyền biến của mỗi người khi lái xe thuộc về vi mô. Không có luật lệ thì dòng lưu thông sẽ bị hỗn loạn. Nếu mỗi người lái xe không biết quyền biến khi gặp chuyện bất trắc ngoại lệ thì dòng lưu thông sẽ bị ngưng trệ. Như hai mặt của một đồng tiền, vĩ mô và vi mô đều cần thiết và hỗ tương cho nhau. Khi chính sách từ trên đúng đắn thì các sinh hoạt từ thiện, tương trợ, cứu tế... của người dân ở dưới sẽ phát huy tối đa những tác dụng hữu ích của chính sách bằng cách bổ khuyết cho những thiếu sót hay điều chỉnh những bất trắc khi áp dụng chính sách. Hoạt động vi mô do đó rất cần. Tuy nhiên, chỉ hoạt động vi mô không thôi thì không đủ vì các hoạt động quần chúng sẽ trở thành vô nghĩa nếu như chính sách bị sai lầm từ bản chất, giống như chỉ xoa bóp ngoài da cho một bệnh nhân bị nội thương. Thiếu một trong hai mặt vĩ mô hay vi mô thì xã hội sẽ tức khắc rơi vào tình trạng mất quân bình vì không thể lấy cái này thay thế cho cái kia. Không thể cậy vào các hoạt động vi mô để giải quyết hay bù đắp cho các sai lầm về bản chất ở tầm mức vĩ mô. Ngược lại, không có chính sách chỉ huy từ trên xuống nào đủ bao quát để bảo đảm sự vận hành nhịp nhàng của cả xã hội, như một cỗ máy đồng hồ.

  Trong 30 năm sinh hoạt, tôi để ý thấy người mình ở hải ngoại thường chỉ sinh hoạt trong phạm vi vi mô, thiếu hẳn kích thước vĩ mô. Tình trạng bất quân bình này trong cộng đồng của chúng ta–rất nặng về vi mô mà rất hời hợt về vĩ mô–đã dẫn đến hậu quả là việc làm của chúng ta thường manh mún và ít hiệu quả. Lấy lại ví dụ trong một bài trước là nỗ lực tranh đấu cho đồng bào thuyền nhân trong thập niên 1990, đối phó với chính sách quốc tế có mục đích dứt điểm vấn đề thuyền nhân mà chỉ biết quyên góp cứu trợ thì hỏng là phải. Trước chính sách quốc tế, vốn ở tầm vĩ mô, mà chỉ lo giải quyết loanh quanh trong phạm vi vi mô thì làm sao có kết quả.

  Mặt vĩ mô của các sinh hoạt xã hội không chỉ là các chính sách quản lý vi mô như định nghĩa của T/S Nguyễn Đình Thắng mà nó bao gồm cả cơ quan điều hành, chủ thể làm ra các chính sách đó. Trong lĩnh vực chính trị quốc gia, bộ máy nhà nước và các chính sách điều hành xã hội là mặt vĩ mô, vi mô là tất cả những sinh hoạt thực tế của toàn xã hội. Bất cứ quốc gia nào cũng tồn tại hai mặt vĩ mô và vi mô, đó là điều tất nhiên. Nhưng chính trị vĩ mô không chỉ là bộ máy điều hành và các đường lối, chính sách của một quốc gia vì mô hình và các nguyên tắc tổ chức nhà nước là sản phẩm của một hệ tư tưởng đem áp dụng vào thực tế. Do đó:

Chính trị vĩ mô có ý nghĩa của một hệ tư tưởng chính trị hoàn chỉnh làm nền tảng cho việc thành lập các thiết chế điều hành và hướng dẫn xã hội đạt đến cứu cánh của sự phát triển nền văn minh nhân loại.

II.            Nội dung chính trị vĩ mô.

   Được sống đúng với phẩm giá của mình là quyền thiêng liêng nhất của con người và các dân tộc cùng sống chung trong cộng đồng thế giới. Nguyên nhân gây ra bất công, tội ác và thảm họa chiến tranh do quyền lực xã hội nằm trong tay kẻ ác. Muốn sinh tồn, con người phải đoàn kết chống lại các thế lực phi nghĩa để bảo vệ an ninh, quyền lợi và mưu cầu hạnh phúc cho cuộc sống mỗi cá nhân. Con người là chủ thể xã hội vừa là sản phẩm của tạo hóa, một xã hội tồn tại phù hợp với khách quan phải được xây dựng đúng với giá trị, ý nghĩa và mục đích cuộc sống con người. Đồng thời, xác định đúng đắn vị trí của cá nhân trong mối liên hệ với cộng đồng, tức là đi tìm hiểu mối liên hệ giữa các cá nhân (cá nhân với gia đình, bạn bè và xã hội) trong mối liên hệ với cộng đồng (cá nhân và cơ chế, hệ thống quyền lực xã hội). Điều hòa mâu thuẫn, xây dựng trật tự xã hội trên các quan điểm tôn trọng nhân phẩm, quyền bình đẳng giữa con người vừa phù hợp với quy luật vận động, xu thế phát triển khách quan của xã hội và trật tự thế giới tự nhiên là nội dung sinh hoạt chính trị căn bản của một quốc gia.

  Đường lối chính trị đúng được xây dựng trên nền tảng nhận thức đúng đắn!. Do đó, hệ thống tư tưởng chính trị vĩ mô gắn liền với việc tìm kiếm chân lý, những nhận thức của loài người về những vấn đề liên quan đến thế giới và nhân sinh quan đúng đắn được phản ảnh bởi một phương pháp luận khoa học.

1.              Thế giới, nhân sinh quan.

-                 Ngoài nhu cầu vật chất con người còn có nhu cầu hiểu biết và những mối quan hệ tốt đẹp trong đời sống tinh thần. Chúng ta luôn suy nghĩ và chọn lựa hành động thích hợp nhất trong mỗi hoàn cảnh: có việc nên làm và không nên làm; phải đối xử với người này hay con vật kia như thế nào?. Tất cả những quan điểm của con người về cuộc sống hiện tại trong mối liên hệ giữa con người, con người và cộng đồng xã hội và hoàn cảnh xung quanh gọi là nhân sinh quan. Tuy nhiên, loài người cùng với vô số sự vật, hiện tượng hiện hữu đều là những sản phẩm của tạo hóa, muốn xây dựng nhân sinh quan đúng đắn cần phải tìm hiểu giá trị, ý nghĩa cuộc sống và các mối quan hệ của con người trong thế giới bao la. Những câu hỏi đặt ra như: con người và vạn vật đến từ đâu, sinh ra để làm gì, vị trí và cứu cánh của các đối tượng trong trong thế giới tự nhiên có liên quan đến sự giải thích về nguồn gốc, bản chất và trật tự của vũ trụ hay còn gọi là thế giới quan. Thế giới quan là một hệ thống tri thức căn bản giải thích về nguồn gốc, sự hiện hữu của vũ trụ và thế giới xung quanh làm nền tảng tư tưởng xây dựng những quan điểm nhân sinh phù hợp với đời sống thực tế cùng với khuynh hướng đạt đến những giá trị tuyệt đối của đời sống tinh thần: toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ. Như vậy, thế giới quan là tiền đề xác lập nhân sinh quan, một nhân sinh quan đúng đắn được xây dựng trên những quan điểm của một thế giới quan hoàn chỉnh.

-                Lịch sử thiết lập thế giới quan loài người có nguồn gốc từ tín ngưỡng hoặc những thành tựu khoa học và triết học. Thế giới quan Tôn Giáo thiếu cơ sở thực tế vì chỉ dựa vào niềm tin quyền năng tuyệt đối của tạo hóa mà không cần chứng minh. Những thành tựu khoa học giúp cho chúng ta những kiến thức về thế giới đáng tin cậy nhưng chỉ giới hạn ở một lĩnh vực nghiên cứu riêng rẽ nên chỉ có giá trị bổ sung chứ không đưa ra một cái nhìn toàn diện về vũ trụ. Thế giới và nhân sinh quan với tư cách là đối tượng nghiên cứu hoàn chỉnh từ muôn vàn hiện tượng, sự kiện được phản ảnh bằng phương pháp nhận thức khoa học để hệ thống hóa thành những lý luận chung nhất về thế giới, triết học có vai trò trung tâm trong việc xây dựng và hoàn thiện thế giới quan, định hướng cho sự tiến hóa của xã hội loài người.

  Đối với con người, thế giới tự nhiên hiện hữu bao gồm hai mặt: tồn tại và ý thức. Do sự nhận thức khác nhau mà triết học chia ra thành hai trường phái chính: duy tâm và duy vật. Các triết gia cho rằng thế giới tự nhiên và ý thức đều là vật chất, đời sống tâm linh và những thế lực siêu nhiên do con người tưởng tượng ra thuộc trường phái duy vật. Ngược lại, những chủ trương thế giới được sinh ra và điều hành bởi quyền năng của đấng tạo hóa, ý thức và đời sống tâm linh con người là một phần của năng lực siêu nhiên có vai trò quyết định đối với đời sống vật chất thuộc về trường phái duy tâm. Lịch sử đấu tranh gay gắt giữa hai trào lưu tư tưởng đối lập: duy tâm và duy vật là vấn đề cơ bản nhất của triết học nhằm giải quyết đúng đắn mối liên hệ giữa vật chất và ý thức.

 2.     Phương pháp luận.

  Nhu cầu hiểu biết càng ngày càng nhiều ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Quá trình hoàn thiện khả năng nhận thức đòi hỏi chúng ta phải rèn luyện kỹ năng tư duy và tiếp thu tri thức có hệ thống. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp nhận thức của khoa học truy tìm chân lý, nó bao gồm một hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc dựa trên các quy luật khách quan để chỉ đạo và hướng dẫn sự nhận thức, nghiên cứu hoặc áp dụng tri thức loài người vào đời sống thực tế. Xét theo yêu cầu, có thể chia ra phương pháp luận riêng áp dụng cho từng ngành khoa học như phương pháp thực nghiệm dành cho các ngành khoa học thực nghiệm, phương pháp mô hình hóa dành cho các ngành khoa học xã hội và nhiều phương pháp khác...Phương pháp luận chung là phương pháp nghiên cứu đối tượng triết học, một hệ thống các quan điểm chung nhất về thế giới (thế giới quan) vừa có thể áp dụng nghiên cứu nhiều đối tượng khác nhau trong thế giới tự nhiên và trong đời sống xã hội. Lịch sử phát triển nền văn minh nhân loại có thể chia ra hai phương pháp tiếp cận đối tượng triết học: phương pháp duy lý của triết học phương Tây và phương pháp trực giác của minh triết phương Đông. Trong phạm vi bài này, chúng ta chú trọng tìm hiểu về phương pháp luận duy lý phương Tây, vận dụng các luận cứ để xây dựng hệ thống lý luận hợp lý, nhận thức thế giới bằng năng lực lý trí. Tựu trung, có hai phương pháp luận duy lý cơ bản thông dụng hiện nay là: phương pháp lôgic và phương pháp biện chứng.
a.     Phương pháp lôgic hình thức.

 Phương pháp logic hình thức do Aristote (384-322 truoc TL) triết gia người Hy Lạp sáng lập. Sau đó, nó được bổ sung thêm bởi nhiều triết gia và nhà tư tưởng từ cuối thời Cổ Đại Galien, Boece đến thời Phục Hưng đến thời Khai Sáng như F. Bancon (1561-1626), Descartes (1596-1650)…ứng dụng logic học trong khoa học thực nghiệm.
  Nhận thức gồm có hai phần: khách thể và chủ thể. Khách thể (đối tượng được nhận thức) là hiện thực khách quan, phần nội dung của tư duy; chủ thể là con người (cá nhân hay nhóm) tham gia vào công việc nhận thức bằng cách sử dụng các hình thức tư duy dưới dạng khái niệm, phán đoán, tam đoạn luận v.v... Phản ảnh nội dung khách thể bao gồm một kết cấu các hình thức tư tưởng trong mối liên hệ nhất quán, khoa học lôgic nghiên cứu các hình thức, các quy luật tư duy hướng dẫn đến chân lý. Tính đúng đắn của tư tưởng được quy định bởi các quy tắc và các quy luật tư duy cơ bản: luật đồng nhất, luật mâu thẫn, luật bài trung, luật lý do đầy đủ và hệ thống các hình thức tư tưởng: khái niệm, phán đoán, suy luận, chứng minh, phản bác v.v…. Lôgic hình thức là phương pháp xác lập giá trị phổ quát của các đối tượng bằng cách loại trừ mâu thuẫn bên trong các quá trình nhận thức.

   Phương pháp lôgic hình thức hay (còn gọi là phương pháp siêu hình) thiết lập sự nhận thức đối tượng dựa trên quy luật phản ảnh sự khác biệt giữa các đối tượng của tư duy với những đặc điểm sau đây:
-                 Các sự vật, hiện tượng bị tách biệt thành những đối tượng riêng rẽ để nhận thức.

-                Nhận thức đối tượng ở trạng thái tĩnh, vào thời điểm chưa xãy ra sự thay đổi hay chỉ là dịch chuyển vị trí hoặc sự biến đổi về mặt số lượng.

-                Không có khả năng thiết lập logic thuần tư duy để nhận thức một đối tượng trừu tượng.

 Phương pháp logic nghiên cứu các quá trình vận động của lý trí xãy ra trong tư tưởng con người. Nó chỉ có ý nghĩa về măt lý thuyết (thuần lý) cần được kiểm tra và ứng dụng vào hoàn cảnh thực tế mới có giá trị thực tiễn đối với các quá trình biến đổi của thế giới tự nhiên và những hoạt động của xã hội.
b.      Biện Chng Pháp.

  Lịch sử khoa học biện chứng có từ lâu đời của cả hai nền triết học Đông - Tây.  Biện chứng là phương pháp luận chủ yếu của nền triết học Phương Đông như học thuyết âm/dương của Kinh Dịch, quan niệm vạn vật vô thường của Phật Giáo…Ở Tây phương, thuật ngữ biện chứng (dialectic) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ với ý nghĩa là tranh luận để tìm ra chân lý và nó trở nên phổ biến với phương pháp truy vấn của Socrates. Đỉnh cao của khoa học biện chứng được thể hiện trong triết học cổ điển Đức, người khơi xướng phương pháp biện chứng duy tâm là Kant (1724-1804) và được hoàn thiện bởi Hegel. Sau đó Karl Marx (1818-1883),  F.Engels (1820-1895) cải tạo nó thành phép biện chứng duy vật và được bổ sung bởi V.I. Lenin (1870-1924). Trong lôgic biện chứng, nhận thức là sự kết hợp giữa học thuyết về tồn tại và học thuyết phản ánh tồn tại trong ý thức. Nói cách khác, khoa học biện chứng áp dụng những quy luật và hình thức của tư duy và những quy luật biến đổi của thế giới khách quan để nhận thức các đối tượng tồn tại trong thế giới tự nhiên. 

-       Phép biện chứng duy tâm.

  Trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ quá trình phát triển của lôgic hình thức và xây dựng một hệ thống khái niệm, phạm trù và quy luật cơ bản…. Hegel là người có công sáng tạo phương pháp luận mới gọi là phép biện chứng, nó tiêu biểu cho những thành tựu quí giá nhất của nền triết học cổ điển Đức từ cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

 Theo Hegel: Ý niệm tuyệt đối là một thực thể tinh thần sáng tạo ra thế giới tự nhiên và toàn thể nhân loại; tư tưởng con người không phản ánh hiện thực khách quan mà là sự thể hiện của ý niệm tuyệt đối, thiết lập một hệ thống những phạm trù logic vốn có của mọi sự vật, hiện tượng: ý niệm tuyệt đối tha hóa thành mặt đối lập của chính nó tức thế giới tự nhiên và tiếp tục trở về bản thể trong đời sống cá nhân với việc hoàn thành các quá trình vận động biện chứng của ý thức. Những nội dung sinh động, phong phú của các phạm trù logic không gì khác hơn là những khái niệm trừu tượng được tách ra từ bản thân hiện thực: tồn tại, bản chất và khái niệm là ba hình thức biểu hiện chủ yếu trong quá trình phát triển của tự nhiên và tư duy. Mâu thuẫn là nguồn gốc của mọi sự vận động, phát triển được diễn ra trong những khái niệm thiết lập qui luật phủ định của phủ định là một trong những quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng được Hegel trình bày dưới hình thức tam đoạn thức: chính đề - phản đề - hợp đề.

Xuất phát từ cơ sở đồng nhất giữa tư duy và tồn tại, tất cả những gì đã và đang diễn ra trong thế giới tự nhiên và lịch sử đều đồng nhất với những diễn biến trong tư duy theo những quy luật logic của tư tưởng. Các giá trị bất biến của mọi sự vật, hiện tượng và con người trong thế giới tự nhiên là hịện thân bởi sự tha hóa của ý niệm tuyệt đối, thông qua các quá trình tự ý thức của con người để cuối cùng trở về với bản thể, giá trị tinh thần tuyệt đối. Xây dựng những quan điểm tổng thể về thế giới trên nền tảng logic biện chứng, hệ thống tư tưởng của Hegel rất uyên bác, trừu tượng và khó hiễu, ông đựoc xem là một triết gia đại diện cho chủ nghĩa duy tâm logic biện chứng.

-       Phép biện chứng duy vật.

   Từng theo lớp triết học của Hegel, kế thừa hệ thống lôgic học duy tâm với quan niệm đồng nhất hóa quy luật tư duy và tồn tại, Karl Marx xây dựng nên khoa học biện chứng của các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên trên lập trường duy vật, F.Anghen và V. I. Lenin bổ sung thêm vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Phép biện chứng duy vật là sự kết hợp giữa thế giới quan duy vật (L.Feuerbach) và phương pháp luận biện chứng trên cơ sở thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan độc lập với ý thức và nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng thế giới khách quan vào bộ não người, nó bao gồm một hệ thống những nguyên lý, những phạm trù cơ bản, những quy luật phổ biến phản ánh đúng đắn hiện thực. Với những khám phá các quy luật chung nhất của sự vận đông và phát triển của thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy, phép duy vật biện chứng không chỉ là lý luận về phương pháp mà còn thiết lập nội dung thế giới quan vừa là một hệ thống lý luận khoa học hướng dẫn sự nhận thức và hoạt động thực tiễn, cải tạo thế giới tự nhiên. Phủ nhận tính chất siêu thực, hoài nghi, mơ mộng của các trào lưu tư tưởng trước đó để xác định lại vị trí của triết học là một ngành khoa học truy tìm chân lý, Karl Marx có thể xem như một triết gia lỗi lạc nhất có những đóng góp to lớn vào nền văn hóa nhân loại. Do đó mà người Cộng Sản luôn tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ loài người, nhưng Karl Marx đã phạm phải sai lầm khi quy kết tồn tại khách quan thống nhất với bản chất vật chất.

 Tóm lại: nội dung chính trị vĩ mô bao gồm một hệ thống quan điểm thế giới, nhân sinh quan phản ánh đúng đắn phẫm giá, vị trí con người trong mối liên hệ với thiên nhiên, mối liên hệ giữa con người, con người và xã hội cũng như ý nghĩa, cứu cánh và hạnh phúc của cuộc sống con người. Hệ thống chính trị vĩ mô còn là nền tảng tư tưởng hướng dẫn mọi sinh hoạt văn hóa, đạo đức xã hội; xây dựng mô hình nhà nước phù hợp với những đường lối, chính sách cai trị của một quốc gia. Một hệ thống tư tưởng chính trị vĩ mô hoàn chỉnh được thiết lập bởi những nỗ lực của loài người trong quá trình hoàn thiện phương pháp luận khoa học hầu đạt đến các giá trị chân lý trong nhận thức cũng như những hoạt động xã hội thực tiễn. Muốn rèn luyện năng lực tư duy và tầm hiểu biết chính trị toàn diện và sâu sắc phải tự trang bị phương pháp luận khoa học kết hợp với một vũ trụ và nhân sinh quan hoàn chỉnh. Vận dụng tầm hiểu biết khái quát từ một hệ tư tưởng uyên bác và toàn diện sẽ giúp chúng ta giải quyết đúng đắn những vấn đề có liên quan đến cuộc sống và những hoạt động đấu tranh cải cách xã hội.
III.          Chính trị vĩ mô và toàn cầu hóa.

1.              Vai trò của chính trị vĩ mô và quốc gia.

   Theo các lý thuyết gia về khế ước xã hội Tây Phương như Thomas Hobber, John Lock, J.J Rousseaux… cho rằng: để thoát ra khỏi sự bất an và những thiệt hại gây ra bởi tranh chấp trong tình trạng hỗn độn vô chính phủ ở trạng thái tự nhiên, loài người cùng nhau thỏa thuận hy sinh một phần tự do để có được cuộc sống bình an và được bảo vệ bởi cộng đồng gọi là khế ước xã hội. Trong bản khế ước, các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống dưới sự điều hành của bộ máy lãnh đạo thay mặt cộng đồng gọi là cơ quan công quyền. Tùy hòan cảnh lịch sử, quan niệm văn hóa, năng lực, vai trò và các quá trình đấu tranh của các thành phần xã hội mà nội dung bản khế ước xã hội bắt đầu từ những nguyên tắc bất bình đẳng được cải thiện dần, càng ngày càng bình đẳng hơn; bộ máy công quyền cũng thay đổi từ sự chuyên chế quyền lực lãnh đạo của một cá nhân hay một nhóm nhỏ dưới chế độ độc tài tiến sang chia sẽ quyền lực xã hội theo nhũng nguyên tắc của một xã hội dân chủ. Ý thức hiệp nhất là một giai đoạn tiến hóa của sự phân hóa thế giới vật chất, quy luật vận động khách quan của xã hội do năng lực khám phá chủ quan của con người. Nhân phẩm, các nguyên tắc sống chung và mô hình nhà nước là những sản phẩm từ một hệ tư tưởng chính trị của các cá nhân được xã hội đồng tình. Thống nhất xã hội trên nền tảng công bằng và bác ái là xu thế phát triển tất yếu các giá trị nhân văn của xã loài người có ý thức; nỗ lực hoàn thiện lý luận chính trị vĩ mô nhằm xây dựng mô hình nhà nước hoàn toàn nhân bản phù hợp với quy luật khách quan là sứ mệnh thiêng liêng phục vụ sự tiến bộ nhân loại.

 2.              Vai trò của chính trị vĩ mô và cộng đồng thế giới.

a.           Thực trạng nền chính trị toàn cầu.

 -                Xu thế toàn cầu hóa.

  Toàn cầu hóa bắt đầu từ lúc con người rời khỏi Phi châu để di dân đến khắp mọi nơi trên trái đất; sự thông thương của con đường tơ lụa đông-tây nối liền các đô thị thương mại từ Trung Quốc đến châu Âu; sự tiến bộ ngành hàng hải và chuyến hải trình vòng quanh thế giới của Christophe Colombus mở đường cho các đế quốc châu Âu đi xâm lược các thuộc địa; sự phát triển nhanh chóng và những mâu thuẫn giữa các cường quốc công nghiệp đã gây ra hai cuộc thế chiến… Sau thế chiến thứ hai, Liên Hiệp Quốc được thành lập (khởi đầu có 50 thành viên đến nay 193 thành viên) với mục đích duy trì hòa bình, phát triển mối quan hệ giữa các quốc gia và giải quyết những vấn đề quan tâm chung của loài người trên phạm vi toàn cầu. Và sự phát triển nhanh chóng của các ngành khoa hoc hiện đại giúp cho xã hội loài người mở rộng giao lưu ra ngoài phạm vi quốc gia trong nhiều lĩnh vực: bang giao, mậu dịch, tài chính, viễn thông, giao thông, du lịch, văn hóa, xã hội, nhân đạo v.v…Đến nay, có thể nói về các hoạt động thực tế, loài người đã bước vào giai đoạn toàn cầu hóa một cách toàn diện.

 -                Ảnh hưởng của các các nền văn hóa và hệ tư tưởng chính trị trên thế giới.

  Mọi người đều nghĩ rằng: loài người hiện nay văn minh hơn người xưa nhưng trên thực tế có nhiều nền văn minh xuất hiện cách đây hàng nghìn năm vẫn còn ảnh hưởng to lớn đến các thời kỳ phát triển văn hóa và hệ thống chính trị xã hội loài người. Học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử (479-TCN), Phật Giáo được sáng lập khoảng thế kỹ thứ V –TCN và nền văn hóa Tây phương hiện nay xây dựng trên nền tảng tư tưởng của các triết gia Hy Lạp cổ đại như Socrates, Platon, Aristotes….Xét về nội dung, có hai học thuyết tương đối đầy đủ được xem nhu môt hệ tư tưởng chính trị vĩ mô là: chủ nghĩa Cộng Sản (Marx-Lenin) và học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử.
    Karl Marx và Engels là những tác giả xây dựng nên phần lý thuyết, Lenin có công hiện thực hóa chủ nghĩa Cộng Sản. Chủ nghĩa Marx- Lenin trong khoảng 70 năm đã thống trị và gây ra nhiều thảm họa cho gần phân nữa nhân loại. Hệ thống tư tưởng chủ nghĩa Cộng Sản gồm có ba bộ phận lý luận: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. 

  Triết học Marx-Lenin (chủ nghĩa duy vật biện chứng) nghiên cứu những quy luật vận động, phát triển của thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy làm căn bản cho một thế giới quan duy vật và phương pháp lý luận chung nhất cho sự nhận thức và hướng dẫn hành động thực tiễn. Khoa học biện chứng với nội dung cốt lõi là nghiên cứu các hình thức mâu thuẫn và xu hướng tác động các quá trình thay đổi của các đối tượng được nhận thức. Đặc trưng cho mỗi giai đoạn lịch sử phát triển xã hội loài người, học thuyết hình thái kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng: lao động sản xuất, phát triển kinh tế là nền tảng phát triển thượng tầng kiến trúc xã hội bao gồm các hình thái sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, chính trị, Tôn Giáo và thành lập các thiết chế nhà nước tương ứng để duy trì, bảo vệ và phát triển cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó. Những mâu thuẫn nội tại của mỗi phương thức sản xuất và sự thay đổi của hai mặt đối lập cơ bản: lực lượng sản xuất và mối quan hệ sản xuất là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Nguyên nhân đấu tranh xã hội là do sự sở hữu bất công về tài sản, tư liệu sản xuất của giai cấp đại diện cho mỗi hình thái kinh tế nắm giữ quyền lực để bảo vệ quyền lợi giai cấp mình. Đấu tranh giai cấp là động lực thay đổi xã hội từ chế độ này sang chế độ khác thông qua một cuộc cách mạng. Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên chính sách công hữu hóa tư liệu sản xuất sẽ thay thế phương thức sản xuất tư bản với trình độ phát triển công nghiệp ở giai đoạn cao mà tư liệu sản xuất vẫn còn nằm trong tay của các ông chủ tư bản giàu có. Giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội chủ nhĩa, giai đoạn đầu của quá trình tiến lên xã hội Cộng Sản trong một thế giới đại đồng. Thắng lợi cuộc cách mạng vô sản tại Nga vào tháng 10/ 1917 do V.I. Lenin lãnh đạo thành lập nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới đưa đất nước Nga theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nó cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giai cấp công nhân quốc tế và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa, tạo cơ hội cho các thế lực quốc tế lợi dụng chia lại bàn cờ thế giới, đưa loài người vào một giai đoạn lịch sử đen tối của thãm họa chiến tranh lạnh (1945-1991).


  Ở Phương Đông, khoảng 5 ngàn năm trước CN, con người đã biết suy gẫm đạo lý của Trời-Đất, quy luật âm-dương, ngũ hành của vũ trụ để làm ra Kinh Dịch. Về thuật ngữ: kinh là một tác phẩm khuôn mẫu, trong tiếng Hoa kinh còn có nghĩa là nguyên tắc, sự ổn định; dịch là sự biến đổi, kinh Dịch nói về những nguyên tắc, quy luật vận động, tiến hóa của vũ trụ. Học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử cũng được xây dựng trên nền tảng kinh Dịch. Theo tác giả Trần Trọng Kim, xem kinh, truyện của đức Khổng Tử và các đệ tử của ông chép lại, Nho Giáo có thể chia làm hai phần: hình nhi thượng nói về những lẽ vô hình (thế giới quan) và hình nhi hạ nói về những điều liên quan đến nhân sinh, xã hội (nhân sinh quan).
-       Phần hình nhi thượng:

  Ban đầu, vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt, hỗn độn. Trong sự hỗn mang đó có một cái lý vô hình rất linh nhiệm gọi là Thái Cực. Tuy người đời không biết được bản thể của cái lý ấy, song có thể xem sự biến hóa của vạn vật mà phát hiện ra cái lý ấy được thành lập bởi hai cái thể khác nhau, động (dương) và tĩnh (âm): Đạo Dịch (*) có Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh ra vạn vật. Dịch là biến hóa: sinh và hóa, hóa rồi sinh bởi sự tương tác (tiêu trưởng) của âm dương; sự tương tác âm, dương nhờ vào đức trung (trung dung) mà hóa, sinh ra cái mới ngày càng nhiều và tốt hơn. Nhiều người hiểu chưa đúng về đức Trung Dung, nó không chỉ dung hòa sự chống đối thái quá của hai mặt đối lập mà còn bao hàm ý nghĩa của sự tác động, điều chỉnh làm cho vạn vật chuyển hóa, sinh ra cái mới, hoàn thiện các quá trình tiến hóa của thế giới tự nhiên (**).Vạn vật đồng nhất thể do thịnh đức của Trời-Đất sinh ra (hiếu sinh) nên Đạo căn bản của Trời-Đất là Nhân.

-       Hình nhi hạ:

 Con nguời: Trời- Đất sinh ra con người, phú cho cái tính hiểu biết. Cái sáng suốt tự nhiên trong con người có khả năng nhận thức bản thể vạn vật và thiên lý nên con người được sánh ngang với Trời, Đất trong tam tài: Thiên- Địa-Nhân. Trời sinh ra người thì đạo người phải theo đạo Trời mà tiến hóa cho chí thiện, chí mỹ. “Đạo của Trời gồm có bốn đức: nguyên, hanh, lợi, trinh; đạo người bởi đó mà có bốn đức: nhân, nghĩa, lễ, trí. Nguyên là nhân đứng đầu các điều thiện; hanh tức là lễ, hội hợp các cái đẹp; lợi là nghĩa, định rõ các phận cho điều hòa; trinh tức là giữ cái chính để làm gốc mọi sự (***)”. Trong xã hội chia làm hai hạng người, quân tử và tiểu nhân: quân tử là quý, tiểu nhân là tiện. Nho giáo dạy đạo làm người phải tu dưỡng thành người quân tử để thế thiên hành đạo, nắm giữ luật trời để giúp đời: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

  Xã hội: trong xã hội có 5 giềng mối còn gọi là ngũ luân: quân/thần, phụ/ tử, phu/thê, huynh/đệ và bằng hữu. Khổng giáo chủ trương tổ chức xã hội theo chế độ quân quyền, vua là người đứng đầu quốc gia, các quan lại là những người có tài đức được lựa chọn ở trong dân để giúp vua làm mọi việc ích lợi chung cho cả nước. Việc trị nước hay, dở là do cái đức của người hành chính chứ không do chính thể, người hành chính có tài, có đức thì an dân; người hành chính thiếu tài, đức thì nước phải loạn. Nho giáo quan niệm chính trị cốt ở đạo nhân, vua được Trời giáng mệnh (thiên tử) cho những ai biết sữa mình cho đến bậc thánh nhân để đem cái đạo của trời mà thi hành ra khắp thiên hạ; mỗi thành phần trong xã hội đều biết giữ cái đạo của mình cho ngay chính thì xã hội an bình, thịnh trị.
  Đạo Nho chú trọng đào tạo lớp người quân tử tham gia vào việc trị nước: đạo nhân của Trời-Đất được xiểng dương bởi đạo nhân của thành phần trí thức tinh túy trong xã hội, học thuyết Nho Giáo chứa đựng những giá trị nhân bản sâu sắc. Ngoài những lý luận về quy luật tự nhiên, dịch pháp còn xây dựng một hệ thống tính toán dựa trên dịch tượng, gieo quẻ vượt lên năng lực duy lý của những bộ óc bình thường được người xưa vận dụng vào việc nghiên cứu các lĩnh sinh hoạt xã hội như: chính trị, quân sự, thiên văn, y lý v.v….Những kiến thức thiết thực đã góp phần phục vụ đời sống con người và làm nên nền văn hóa phong phú, uyên bác Đông Phương chứng tỏ học thuyết Nho Giáo bao hàm đầy đủ nội dung của một hệ thống tư tưởng chính trị vĩ mô. Đạo của Khổng Tử là tùy thời, theo thiên lý mà lưu hành, biến đổi luôn để cho càng ngày càng mới nhưng tiếc rằng các thế hệ sau không đủ khả năng lĩnh hội, vận dụng và cập nhật để thay đổi kịp thời với trào lưu tiến hóa chung của thế giới. Từ thế kỷ 18, cái đạo nhân của người quân tử tỏ ra yếu kém hơn những thủ đoạn chính trị quỷ quyệt của các bộ óc duy lý nên các quốc gia châu Á dần dần bị Âu hóa bởi sức mạnh xâm lược quân sự, kinh tế và khoa học của các nước Tây Phương.

 Sau một ngàn năm của thời kỳ Trung Cổ (từ thế kỷ thứ 5 – 15) toàn bộ châu Âu như sống trong bóng đêm kìm hãm của giáo quyền Roma và đế chế La Mã, các cuộc thánh chiến đẫm máu xãy ra hàng trăm năm với các quốc gia Hồi giáo. Giới trí thức Âu Châu bừng tỉnh bởi nhu cầu nhận thức để phản kháng lại sự chuyên chế của giáo hội, chủ nghĩa Nhân Văn xuất hiện chống lại giáo quyền và chủ nghĩa kinh viện của giáo hội nhằm giải phóng cá nhân ra khỏi sự đè nén tinh thần của chế độ phong kiến. Những quan điểm đạo đức, chính trị không bắt nguồn từ siêu nhiên kỳ ảo hoặc những nguyên lý ngoài cuộc sống của nhân loại mà chính từ con người tồn tại thực tế trên trái đất và mọi giá trị tinh thần, vật chất được sản sinh ra trong xã hội loài người đều vì con người. Các phát kiến khoa học của nhân loại thời cổ như toán học của Thalès, Pytagore, hình học của Euclide, vật lý của Archimede… được khôi phục lại làm hưng khởi những giá trị vốn có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại.

  Tiếp theo chủ nghĩa nhân văn của thời kỳ Phục Hưng, thời kỳ Khai Sáng vào thế kỷ 18 là giai đoạn áp dụng lý tưởng nhân văn vào đời sống xã hội với việc thay đổi quan niệm vị trí con người trong mối quan hệ quyền lực và cơ cấu nhà nước. Các tác giả có ảnh hưởng lớn đến nền dân chủ pháp trị hiện nay như: John Lock (1632_1704) người Anh và JJ Rousseau (1712-1778) người Áo đưa ra lý thuyết về quyền tự nhiên, khế ước xã hội và cơ chế đại diện. Montesquieu (1689-1755) người Pháp, cho rằng quyền lực nhà nước cần phải chia thành ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp do các thiết chế khác nhau nắm giữ để cân bằng quyền lực xã hội.

  Tư tưởng chính trị thời khai sáng đã ảnh hưởng đến cuộc cách mạng Hoa Kỳ (1775-1789), cách mạng Pháp (1789-1799) và thiết lập nền tảng tư tưởng các nền tự do, dân chủ của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên kể từ ngày lập quốc, với đà phát triển kinh tế, khoa học kỷ thuật nhanh chóng, xã hội Mỹ có khuynh hướng đặt nặng quan niệm sống thực tế với các trào lưu tư tưởng thực dụng, ca tung lối sống tự do, hưởng thụ cá nhân làm suy thoái đi những giá trị nhân văn mà hiện nay vẫn còn bảo lưu ở nhiều nước Âu Châu.

   So với các nền văn hóa khác, mô hình xã hội dân chủ và nền văn hóa Tây phương có vẻ tiến bộ nhưng vì quá chú trọng đến phương pháp luận logic hình thức và khoa học thực nghiệm nên không đủ khả năng thiết lập một logic tư duy biện chứng để phản ảnh đúng đắn và cụ thể các giá trị nhân văn trừu tượng. Chính vì vậy mà trong giai đoạn lịch sử cận đại các từ ngữ như tự do, công bằng, bác ái… đã bị lợi dụng để biến thành những chiêu bài lừa đảo của các thế lực chính trị.  Bị giới hạn bởi phương pháp luận và thế giới quan nên hệ tư tưởng chính trị Tây Phương giống như một bức tranh ráp nối những quan điểm rời rạc chưa có cái nhìn tổng thể, còn quá thiển cận về lý luận và giá trị nhân văn. Có thể nói rằng: nền chính trị Tây phương chưa có được một hệ tư tưởng chính trị vĩ mô hoàn chỉnh. Hiện nay, vận mệnh thế giới đang nằm trong tay người Mỹ và các quốc gia Tây Phương nhờ vào sức mạnh quân sự, kinh tế và khoa học kỷ thuật, sinh hoạt chính trị đồng nghĩa với những thủ thuật tranh giành quyền lực bất chấp đạo đức thì thật là một thảm họa cho nhân loại!. Thực ra, nếu ai có cái nhìn đúng đắn về nền chính trị toàn cầu sẽ có nhận xét: những thế lực vẽ ra kịch bản toàn cầu hóa am hiểu và vận dụng khoa học biện chứng rất sắc xảo nhưng nó chỉ nhằm phục vụ tham vọng của một thiểu số đang nắm giữ quyền lực điều hành thế giới. Điều này chứng tỏ mục tiêu giáo dục của các nhà tư bản phương Tây chú trọng chuyên môn hóa cá nhân trở thành những công cụ của bộ máy kinh tế hơn là đào tạo các lãnh tụ chính trị góp phần vào việc cải cách, xây dựng một xã hội nhân bản tiến bộ.
b.      Chính trị vĩ mô và sự ổn định trật tự toàn cầu.
    Thế giới loài người đã và đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, vận mệnh một quốc gia dù nhỏ bé cũng lệ thuộc vào sự tranh chấp hoặc độc quyền thao túng của các thế lực quốc tế. Do đó, muốn giải quyết các vấn nạn xã hội tại các quốc gia nhược tiểu cần phải khắc phục những nguyên nhân bắt nguồn từ sự tranh chấp quyền lực và các chính sách toàn cầu hóa của các cường quốc.

 -       Yêu cầu hoàn thiện một hệ tư tưởng chính trị toàn cầu:
  Không ít người cho rằng: đấu tranh không cần hệ tư tưởng chính trị, điều này hoàn toàn không đúng vì hoạt động xã hội luôn được chỉ đạo bởi tư tưởng, ý thức xã hội luôn tồn tại tất yếu. Bắt đầu từ sai đến đúng và chân lý là cứu cánh được hoàn thiện từ một chuỗi sai lầm của con người về mặt nhân thức. Brochard có câu nói: “Đối với con người, sai lầm là quy luật mà chân lý là ngoại lệ”. Trong câu nói này cần xác định: sai lầm của con người là phổ biến mà giá trị chân lý chỉ có một mới đúng với thực tế.

  Xét về mặt khách quan, những hoạt động vi mô và sự giao dịch giữa các quốc gia, từ lâu đã bước vào toàn cầu hóa. Nhưng trong tình hình chính trị thế giới hiện nay với những tranh chấp vô cùng phức tạp giữa các thế lực quốc tế, về mặt ý thức xã hội chưa kịp thời phản ảnh đầy đủ để có thể gánh vác vai trò định hướng, điều chỉnh sự phát triển xã hội loài người hầu đem lại công lý và nền văn minh đích thực cho nhân loại.

  Các biến cố lịch sử là một quá trình khách quan nhưng ít ai chú trọng đến yếu tố chủ quan: động cơ của các cá nhân, thành phần thống trị quyết định đường lối chính trị của một quốc gia. Tham vọng đế quốc xâm lược của các quốc gia Âu châu từ thế kỷ 18 phục vụ cho quyền lợi nhóm lợi ích cầm quyền. Chính sách vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân dân thuộc địa đã hình thành một tầng lớp đại tư bản Âu Châu kết họp với các thành phần tài phiệt Mỹ giàu lên nhờ chiến tranh đã ra sức khống chế nhân loại, ngăn cản khát vọng hiệp nhất cộng đồng thế giới dưới danh nghĩa của các phong trào giải thực. Chủ nghĩa đế quốc mới được thành lập bởi các nhóm lợi ích ẩn núp dưới bộ máy cầm quyền của các cường quốc để trục lợi trên nỗi đau thương của những người dân tại các quốc gia nhược tiểu với chiêu bài cổ xúy cho nền tự do, dân chủ. Sự thiếu hiểu biết chính trị của đại bộ phận nhân dân tại các quốc gia lạc hậu đã bị các nước lớn lợi dụng để gây ra chiến tranh và gián tiếp áp đặt ách thống trị thông qua bộ máy cầm quyền tay sai lên người dân bản xứ.

  Nếu xem xét cộng đồng thế giới như sự mở rộng của một cộng đồng xã hội, quốc gia là những tổ chức cục bộ thì trình độ tiến hóa của nhân loại còn trong tình trạng “hỗn man quyền lực’’ của đời sống thiên nhiên chưa thành lập được khế ước và cơ quan công quyền đại diện để bảo vệ quyền lợi, sự công bằng và giải quyết tranh chấp trên phạm vi toàn thế giới. Công lý xã hội bị khủng hoảng do tồn tại nhiều quốc gia bảo thủ cực đoan, nhiều thế lực độc tài, ỷ lại vào sức mạnh quân sự nuôi dưỡng tham vọng bành trướng; các cá nhân ích kỷ trục lợi cho bản thân, của các tổ chức chính trị phi nhân ngang nhiên xâm phạm quyền lợi kẻ khác, gây tranh chấp, bất ổn định tình hình an ninh, trật tự chung của thế giới.
   Liên hiệp quốc hiện nay cơ cấu theo hình thức mặt trận các quốc gia không đủ thực lực điều hành cộng đồng quốc tế. Hình thức tổ chức bộ máy quyền lực công của thế giới chưa được hoàn chỉnh với chức năng một chủ thể đại diện có đủ quyền lực cưỡng chế, điều chỉnh mối liên hệ luật pháp, can thiệp hiệu quả vào các tranh chấp quốc tế. Trong khi đại bộ phận các quốc gia chưa sẵn sàng tự giác tuân thủ công lý thì môi trường luật pháp quốc tế còn quá nhiều thiếu sót trong việc điều chỉnh toàn diện mối liên hệ bình đẳng giữa các quốc gia: thể chế hóa toàn diện mối liên hệ bình đẳng giữa cộng đồng các quốc gia; hoàn chỉnh hiến pháp và hệ thống quy phạm pháp luật quốc tế; hoàn thiện hình thức tổ chức thống nhất quyền lực thống trị toàn cầu. Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng một hệ thống lý luận chính trị hoàn chỉnh, một hình thái ý thức xã hội mới về trật tự của một thế giới mới: thống nhất quyền lực thống trị toàn cầu hầu đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội loài người ở giai đoạn lịch sử mới.
  Vì sự sinh tồn và quyền bình đẳng của loài người, chúng ta đang cần đến một học thuyết chính trị đại diện công lý toàn cầu làm nền tảng tư tưởng cho việc hoàn thiện bộ máy cai trị quốc gia song song với yêu cầu thành lập một bộ máy thống nhất quyền lực lãnh đạo cộng đồng thế giới. Kỷ nguyên bắt đầu cho một trật tự thế giới mới sẽ đem lại hòa bình, thống nhất nhân loại trên cơ sở bảo đãm các nguyên tắc dân chủ, chủ quyền độc lập, bình đẳng giữa các quốc gia, một xu hướng tiến bộ tất yếu của xã hội loài người văn minh và nhân bản.

-       Hoàn thiện phương pháp luận.

   Xây dựng một hệ tư tưởng chính trị dựa trên một thế giới, nhân sinh quan hoàn chỉnh hầu hoàn thiện năng lực, trình độ nhận thức khách quan đối với tiến trình phát triển nền văn minh nhân loại. Để giảm thiểu sai lầm, các nhà tư tưởng phải tự trang bị cho mình một phương pháp luận hoàn chỉnh, cụ thể là hoàn thiện kiến thức và phát triển khả năng vận dụng biện chứng pháp.
   Biện chứng bao hàm giá trị tương đối của tồn tại: mỗi sự vật, hiện tượng sinh ra từ sự chuyển hóa của một sự vật, hiện tượng khác trong mối liên hệ biện chứng, biểu hiện một vị trí tương ứng của các sự vật, hiện tượng trong mắc xích tiến hóa của vũ trụ. Do đó, sử dụng thuật ngữ biện chứng kèm theo duy tâm hay duy vật vấp phải nghịch lý trong nguyên tắc lý luận. Biện chứng pháp của Hegel thiết lập khoa học logic biện chứng tư duy hướng đến giá trị chân lý tuyệt đối, trong khi phép biện chứng duy vật khám phá những quy luật vận động của thế giới tự nhiên, thiết lập hệ thống lôgic với những giá trị tương đối của tồn tại vật chất. Vì không phân biệt được hệ thống lôgic tư duy va lôgic vật chất nên Karl Marx vội vàng đảo ngược học thuyết duy tâm của Hegel thành duy vật. Marx có những đóng góp bổ sung thêm cho sự phong phú kiến thức về khoa học biện chứng chứ nó không có giá trị phủ nhận và thay thế phép biện chứng duy tâm của Hegel. Dịch pháp và biện chứng pháp bao gồm những quy luật biến đổi của thế giới tự nhiên, về mặt nội dung có rất nhiều điểm tương đồng chẳng qua chỉ khác nhau về hình thức. Xét trong phạm vi duy lý: dịch là biện chứng, biện chứng là dịch. Trong tam tài: Thiên-Địa-Nhân bao hàm ba nhịp biện chứng của vũ trụ, Nhân (thức) là đức Trung (tổng đề) tác động sự hợp nhất của Thiên –Địa.
  Hiu được nội dung biện chứng pháp một cách đầy đủ để vận dụng đúng đắn vào công việc nghiên cứu lại hết sức phức tạp. Trong khi, biện chứng pháp duy vật hay duy tâm đều bộc lộ giới hạn phạm vi nhận thức chân lý nên cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để trở thành một phương pháp lý luận khoa học hoàn toàn đúng đắn và hữu ích. Có một một vị học giả nhận xét rằng: « Ai làm chủ Biện Chứng Pháp thì có thể làm chủ thế giới!». Điều này hoàn toàn đúng vì trình độ am hiểu và vận dụng tinh xảo khoa học biện chứng chính là sở trường của những thế lực đang điều khiển thế giới. Có thể nói kịch bản toàn cầu hóa được vạch ra từ đầu thập kỷ 19 đến nay hoàn toàn dựa trên phương pháp khoa học biện chứng.

-       Hoàn thiện nguồn nhân lực xã hội.


  Người Việt Nam mình có đầu óc khoa bảng, chuộng lối học từ chương, cốt dành lấy bằng cấp cao ở một ngành chuyên môn để mưu cầu cuộc sống riêng tư. Những kết quả khảo cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thường có giá trị khách quan nên sự kế thừa kiến thức lẫn nhau giữa con người để nâng cao trình độ văn hóa là điều cần thiết. Nhưng ngược lại, trong sinh hoạt xã hội, các thế lực chính trị đã đạt đến trình độ nghệ thuật lừa đảo tinh vi, bất chấp thủ đoạn triệt hạ đối phương. Hầu hết các sự kiện chính trị được giải mã, phổ biến công khai hiện nay hoàn toàn không trung thực, vì nó được cung cấp từ nhiều nguồn thông tin được định hướng hoặc do dàn dựng đánh lừa dư luận. Sự nhai lại các thông tin có sẳn của các thành phần trí thức nữa vời vô tình tiếp tay cho cái ác gây ảnh hưởng sai lạc trong nhận thức quần chúng là một trở ngại to lớn cho các phong trào đấu tranh dành lại công lý và cải cách xã hội. Biện chứng pháp là một phương pháp nhận thức khoa học còn là phương pháp hành động thực tiễn hữu hiệu. Khác với khoa học tự nhiên, đối tượng nghiên cứu của khoa học chính trị là những thủ đoạn đánh lừa sự nhận thức: đánh giá một sự kiện chính trị không chỉ xem xét những hiện tượng bộc lộ bên ngoài mà cần tìm hiểu động cơ, hoàn cảnh, hình thức biểu hiện, yếu tố khách quan và chủ quan để tìm ra bản chất thật sự ẩn chứa bên trong.

  Cạnh tranh trong môi trường chính trị luôn luôn phức tạp và nghiệt ngã. Xã hội cần có một lực lượng trí thức đầu tàu được đào tạo kiến thức chính trị vĩ mô để quản lý đất nước và lãnh đạo các phong trào quần chúng được chọn lọc từ những thành phần ưu tú về mọi mặt: năng lực, trình độ, đạo đức và tinh thần phục vụ. Từ viễn kiến của thế giới, nhân sinh quan làm cơ sở để hệ thống hóa tri thức tổng thể, xác định giá trị, tính chất, vai trò, vị trí, chức năng của từng đối tượng trong trật tự của thế giới tự nhiên. Một chính khách chuyên nghiệp đòi hỏi phải có trình độ chính trị vĩ mô; sở hữu một năng lực tư duy độc lập làm nền tảng cho việc xây dựng quan điểm, đường lối, kế hoạch đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh khách quan; nhạy bén xử lý mọi tình huống phức tạp và đối phó hữu hiệu với những thủ đoạn xão quyệt của các thế lực xung quanh.

 IV.               Hệ tư tưởng chính trị vĩ mô và chủ quyền độc lập của Việt Nam.

    Sự phát triển nhanh chóng của nền kỷ nghệ phương Tây vào thế kỷ 17, 18 tạo điều kiện cho các đế quốc Âu châu thực hiện chính sách chinh phục thuộc địa ở các phần đất lạc hậu còn lại của địa cầu. Tiếp theo là chiến tranh xãy ra giữa các cường quốc với hai cuộc thế chiến và hội nghị Jalta năm 1945 giữa Mỹ và Liên Xô chia lại bàn cờ thế giới dẫn đến chiến tranh lạnh. Đến nay, mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi giữa các nước ngày càng phức tạp gây ra nhiều tai họa thảm khốc cho nhân loại. Trong môi trường chính trị hỗn độn toàn cầu, công lý luôn luôn thuộc về kẻ mạnh, tham vọng và sự khuynh đảo quyền lực của các cường quốc tạo ra hoàn cảnh cạnh tranh sinh tồn nghiệt ngã, nhiều quốc gia cuốn hút vào vòng xoáy chiến tranh. Các dân tộc nhược tiểu luôn chấp nhận thân phận thấp hèn, thua thiệt cùng với chủ quyền quốc gia bị tước đoạt và nguy cơ bị đồng hóa bởi các nước lớn.

  Phong trào giải thực sau thế chiến thứ hai đã không đem lại nền độc lập thực sự cho quê hương Việt Nam mà ngược lại, lòng yêu nước của người dân đã bị các cường quốc lợi dụng và cưỡng ép vào cuộc nội chiến tương tàn, phi nghĩa từ năm 1954-1975. Trong giai đoạn lịch sử cận đại, tầng lớp trí thức Việt Nam tõ ra ngây ngô như lũ cừu non trước những con cáo già của các thế lực chính trị thế giới. Vì yếu kém chính trị mà nhân dân ta đã trở thành những nạn nhân bất hạnh của ván bài tranh chấp quyền lực thống trị toàn cầu.

  Nhược điểm của người Việt Nam là luôn luôn đua đòi theo những tư tưởng ngoại lai, thiển cận mà vứt bỏ đi những tài sản văn hóa quý báu lâu đời. Chính vì nô lệ tư tưởng ngoại bang khiến cho người Việt Nam chia rẽ, bạc nhược không làm chủ được vận mệnh của mình, gây ra số phận lao đao của dân tộc, lịch sử nước ta đắm chìm trong những biến cố chiến tranh tàn khốc,. Xây dựng hệ tư tưởng chính trị độc lập, thống nhất ý thức hệ xã hội đem lại sức mạnh đoàn kết dân tộc.  Việt Nam chưa có được một hệ tư tưởng chính trị tầm vóc, phản ảnh đúng đắn quy luật đấu tranh xã hội, phù hợp với bản sắc văn hóa và nhu cầu đời sống nhân dân hầu nâng cao trình độ nhận thức và bản lĩnh chính trị của quốc gia.

  Người Việt mình vốn tự ti nên thường hay vay mượn tư tưởng của nước khác mà không tự xây dựng cho mình một phương pháp luận khoa học dựa trên quy luật của tạo hóa đại diện cho chân lý đạt đến đỉnh cao tri thức nhân loại. Trở về với cội nguồn dân tộc, một quan điểm vũ trụ, nhân sinh toàn diện và uyên bác mà gần gũi với tâm lý, tập quán, bản sắc văn hóa, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân và được phổ cập để góp phần nâng cao ý thức quần chúng. Nỗ lực xây dựng một hệ tư tưởng chính trị độc lập dân tộc có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc cứu nước và kiên quốc; tỏ rõ ý chí quật cường của toàn dân quyết tâm thúc đẩy đất nước ta phát triển ngang tầm vóc các quốc gia tiên tiến; khẳng định vị trí, bản lĩnh của người Việt Nam trên chính trường thế giới.

                                                     

                                                                                                    Tường Vi



Chú thích


(**) Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Tri trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên_ Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là cái đạt đạo của thiên hạ. Cùng cực cả trung và hòa thì trời đất định vị, vạn vật hóa dục _sách Nho Giáo, Trần Trọng Kim trang 70, nhà xuất bản Thời Đại.

(***) Sách Nho Giáo, Trần Trọng Kim trang 75, nhà xuất bản Thời Đại.








0 nhận xét:

Đăng nhận xét